Dệt may Việt Nam đã vươn lên Top 5 nước sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới; tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động; kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 30 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dệt may Việt Nam đối diện với những khó khăn vô cùng lớn.
Những trăn trở, suy tư cùng tầm nhìn của những người “cầm trịch” trong ngành dệt may sẽ phần nào cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực dệt may nước nhà hiện nay và trong tương lai.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Vinatex có đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy GDP cả nước tăng trưởng 6,7%. Tỷ trọng xuất khẩu của dệt may Việt Nam (DMVN) luôn chiếm tới 17% trong tổng xuất khẩu cả nước. Trong hai chuyến công tác của Thủ tướng vừa qua, phái đoàn Việt Nam ghé vào gian hàng của con gái Tổng thống Mỹ là bà Ivanka Trump ở Mỹ và siêu thị Aeon ở Nhật thì hai nơi đều có bán hàng quần áo “Made in Vietnam”. Nếu không xem tem, mác thì nghĩ là hàng sản xuất ở châu Âu chứ không ai nghĩ sản xuất ở Việt Nam, cả về chất lượng, kiểu mẫu đều rất đẳng cấp... hàng DMVN đã có những thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật... Đó là điều đáng tự hào. Trong thời gian tới đây, Vinatex cần tiến hành cổ phần hóa sâu hơn, thay đổi phương thức kinh doanh, đầu tư hiệu quả, đi đầu trong công nghệ, phát triển thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang: Biến động lao động vô cùng phức tạp
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang
Từng kinh qua các vị trí như Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vinatex. Hiện ông đương nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến, là Chủ tịch Liên đoàn Thời trang châu Á. Ông được coi là vị “Tổng tư lệnh” của ngành dệt may Việt Nam.
Năm 2016, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất kinh doanh dệt may. Những thách thức lớn lần lượt thử sức ngành dệt may Việt Nam (DMVN), trong đó bất ngờ lớn nhất là TPP đã và đang triển khai thì bị rút, khiến các dự án đầu tư cốt lõi cho ngành buộc phải dừng lại, đặc biệt là các dự án triển khai bởi doanh nghiệp (DN) FDI, đã tác động tiêu cực đến ngành. Việc các nước đối thủ cạnh tranh phá giá đồng nội tệ tới 18%, trong khi Việt Nam vẫn kìm tỷ giá ở mức 3,5% cũng kìm hãm DMVN phát triển. Chế độ lương tăng 13% năm 2017 sẽ gây ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe DN”.
Cùng với đó là cơ chế nghỉ việc cũng khiến người lao động (NLĐ) có cái nhìn ngắn hạn. Nhiều NLĐ lợi dụng cơ chế này, làm việc một thời gian, lại xin nghỉ để lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp, tiền đền bù, rồi sau đó nhảy sang đơn vị khác, gây sự xáo trộn cho DN. Có người tuy còn sức lao động, tay nghề cao nhưng lại xin về hưu sớm, lấy sổ hưu xong lại đi làm việc ở đơn vị khác để cùng lúc lĩnh hai lương. Nguồn lao động là một khó khăn luẩn quẩn của ngành DMVN mà bao năm nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Biến động lao động trong ngành này là cực kỳ phức tạp.
Các DN DMVN phải đào tạo nhân sự mất nhiều công sức và chi phí, nhưng khi DN FDI nhảy vào, họ không phải chi phí đầu tư đào tạo NLĐ, mà với chiêu thức trả lương cao hơn, họ “hớt” luôn lớp lao động có tay nghề tốt của doanh nghiệp Việt Nam. Sự mất công bằng giữa DN Việt Nam và DN FDI còn thể hiện ở khía cạnh: các DN FDI luôn có thể báo lỗ tại Việt Nam, chuyển lãi về công ty mẹ ở nước họ, còn DN Việt buộc phải luôn có lãi. Vì vậy, để lập lại sự công bằng, các cơ quan kiểm toán cần hết sức nghiêm khắc, kiểm toán chặt chẽ các DN FDI để họ không trốn tránh được việc lãi thật lỗ giả.
Trước những khó khăn và thách thức đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cần tiên phong trong xây dựng thương hiệu Việt, giải quyết được hiện trạng các thương hiệu thời trang lớn còn chiếm tỷ trọng nhỏ, các thương hiệu trung bình và nhỏ đang chiếm tỷ trọng lớn. Nếu không có một lượng thương hiệu thời trang lớn mang tính áp đảo, thì DMVN sẽ gặp khó về dài hạn trong cạnh tranh trên thị trường. Vinatex với vai trò là đầu tàu dẫn dắt toàn ngành, cần đưa giải pháp kịp thời khi các nước có chính sách trả đũa thương mại và bảo hộ mậu dịch. Để tạo động lực cho DMVN phát triển bền vững, cần chuẩn bị lộ trình để có được các hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các thị trường khác ngoài thị trường truyền thống.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị: Cần tư nhân hóa sâu hơn
Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị
Chúng ta có thể thấy, hàng DMVN đã xuất hiện nhiều trên hầu hết các thị trường quan trọng trên thế giới. Điều đó góp phần quảng bá tích cực cho thương hiệu quốc gia Việt Nam. Để có được kết quả tốt đẹp đó, hàng triệu người làm việc trong ngành DMVN đã phải nhiều năm cần cù, chịu khó làm việc và sáng tạo. Đặc biệt, đội ngũ Vinatex trong những năm qua đã làm việc bằng trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết, không chỉ vì mục tiêu tăng trưởng mà còn khẳng định giá trị Việt Nam, thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, khẳng định chất lượng của hàng DMVN, trong đó có giá trị lao động Việt Nam.
Được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinatex vào tháng 1-2015, ông có hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành dệt may. Trước đó, ông là Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú - một đơn vị hàng đầu của ngành dệt may trong nước. Ông là người đưa ra định hướng, chiến lược và mục tiêu phát triển của Vinatex.
Hiện nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ không còn, thì chúng ta cần hết sức bình tĩnh để xử lý tình hình: trong đầu tư không vội vã, nhất là đầu tư khâu dệt - nhuộm. Vấn đề của chúng ta là, cho dù có đầu tư vào khâu thắt nút hiện nay là dệt - nhuộm, có sản phẩm bằng giá với Trung Quốc, nhưng với quy mô đầu tư hạn chế thì không kỳ vọng có được hợp đồng lớn và lâu dài. Vì khi khách hàng có nhu cầu quá lớn, ta đều không đáp ứng nổi.
DMVN vẫn chỉ nặng về khâu sợi và may. Bên cạnh đó, Vinatex vẫn là tập đoàn cổ phần với sự chi phối của Nhà nước với một số đặc thù trong vận hành, còn hạn chế về tốc độ xử lý vấn đề và ra quyết định. Muốn vận hành nhanh hơn thì phải tư nhân hóa sâu hơn. Hy vọng tới năm 2018, Vinatex sẽ có cấu trúc sở hữu mới, tạo nên thay đổi mạnh mẽ hơn trong cơ chế điều hành và tiếp tục được cổ đông đồng hành, hỗ trợ trong tiến trình đổi mới.
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường: Áp lực đổi mới công nghệ
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường
Mặc cho nền kinh tế thế giới và thị trường có nhiều bất lợi, nhưng Vinatex đã vượt qua thách thức để tiếp tục tăng trưởng ổn định. Những DN thành viên của Vinatex như Việt Tiến, Dệt may Huế, Nhà Bè, May 10 có mức tín nhiệm cao trên thị trường. Việt Nam là nước đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may thế giới, đạt tới 5,62%. DMVN cũng có sức hấp dẫn cao tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong năm 2017, Vinatex cần tích cực cải tổ, thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp tục lộ trình thoái vốn Nhà nước, tăng tốc phát triển. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn những thách thức mới, như sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại nhưng có khả năng kinh tế toàn cầu sẽ dần hồi phục trong năm 2017. Nền kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%, nhu cầu dệt may thế giới phục hồi nhẹ, khoảng 0,5%. Bên cạnh đó, Mỹ có thể sẽ điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng dệt may sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu DMVN như tăng thị phần tại Mỹ, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Với hơn 20 năm làm việc trong ngành dệt may, ông Trường có hơn 10 năm công tác tại Vinatex. Ông từng tu nghiệp sau đại học tại INSEAD (Pháp), Ashridge (Anh), AIT (Thái Lan), Havard (Mỹ). Ông là người quản lý có tầm nhìn, tư duy chiến lược trong quản lý và điều hành.
Cùng lúc đó, DMVN càng phải cạnh tranh đơn hàng gay gắt hơn do các DN Việt Nam chưa có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói và gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những điều kiện giao hàng của các nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia vẫn tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá, trong khi các trợ lực được kỳ vọng hỗ trợ cho xuất khẩu như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), chưa có hiệu lực trong năm 2017. Chi phí đầu vào cũng tăng cao, đặc biệt là chi phí tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển và giá điện. Thêm vào đó DMVN vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, vận hành được máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt là ở khâu dệt - nhuộm.
Con đường duy nhất của Vinatex nói riêng và DMVN nói chung là phải tăng được thị phần, thu hút được khách hàng của các quốc gia khác. Muốn được như vậy, thì Vinatex phải đổi mới công nghệ càng sớm càng tốt, dù phải thắt lưng buộc bụng. Và giai đoạn 2017-2020 là giai đoạn phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư mạnh vào công nghệ theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất lao động, có môi trường lao động tốt, chất lượng sản phẩm cao.
Phó tổng giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt May Miền Nam Phạm Phú Cường: Đầu tư về tỉnh nghèo không cần lãi
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt May Miền Nam Phạm Phú Cường
Vinatex cũng như nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa, nhưng vẫn gánh trách nhiệm xã hội lớn, đó là tạo việc làm cho người dân lao động ở các vùng sâu, vùng xa. Sau cổ phần hóa, Vinatex càng cần phải có trách nhiệm cao hơn, đồng nghĩa với việc những người điều hành phải làm việc vất vả hơn. Phải rất tâm huyết mới chịu đựng được áp lực đầu tư mới về các vùng xa, vùng sâu.
Chúng tôi quan niệm rằng, nếu không đầu tư thì không có tương lai, do đó không thể lùi bước trước khó khăn. Khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất Tổng Công ty Dệt May Miền Nam, tôi quyết định đầu tư 3 nhà máy ở miền Tây. Xác định nhà máy ở đó thì không cần lãi cao, chỉ cần ổn định sản xuất. Do đó chúng tôi chọn ký hợp đồng dài, lên tới vài triệu sản phẩm/hợp đồng, đảm bảo việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó phải mạnh dạn tuyển dụng người tài, những chuyên gia giỏi về làm việc, có thể trả mức lương 5.000-10.000 USD/tháng. Nếu tốc độ xử lý thông tin và ra quyết định chậm, tiền lại ít thì nhất định không cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế.
Là thạc sĩ kinh tế, với trên 23 năm kinh nghiệm và gắn bó với ngành dệt may, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc điều hành Công ty CP May Nhà Bè, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Nhà Bè…
Một khó khăn nữa khi chúng tôi đầu tư nhà máy ở các vùng xa xôi, đó là trình độ dân trí hạn chế, nhiều tập tục làng quê còn tồn tại, cản trở đáng kể cho hiệu quả sản xuất. Phải rất khó khăn khi nhận một người dân hoàn toàn không có tay nghề, không có đủ kiến thức và kỹ năng lao động, vào nhà máy làm việc. Họ chỉ tạo được giá trị 500 nghìn đồng/người/tháng mà nhà máy vẫn phải đảm bảo mức lương ít nhất trên 3 triệu đồng/tháng cho công nhân ngay khi nhận việc. Do đó chúng tôi bị lỗ ít nhất trong 2 năm đầu. Mỗi nhà máy có chừng 500-700 công nhân ở vùng sâu thì mỗi năm lỗ khoảng 2 tỉ đồng. Nhưng đến khi công nhân làm tốt hơn thì họ lại nhảy sang làm việc cho DN FDI, khiến chúng tôi thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Họ không hề nghĩ cho công sức đào tạo của nhà máy chúng tôi khi họ còn là “tờ giấy trắng”.
Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho các DN dệt may khi chúng tôi đầu tư vào những dự án ở vùng sâu, vùng xa, giải quyết việc làm cho NLĐ, thay đổi nhận thức cho NLĐ vốn chỉ quen với nếp sống làng quê chật hẹp.
Theo PetroTimes