Chăm sóc bê sau cai sữa và bò hậu bị
Bê sau cai sữa đến 12 tháng tuổi
Trong thời kỳ này bê có thể sử dụng được thức ăn thô xanh, nên tốt nhất là chăn thả trên bãi chăn, đồng cỏ. Việc chăn thả như vậy giúp khai thác tối ưu đồng cỏ và giúp bê có điều kiện tốt để vận động và phát triển cơ thể. Khẩu phần cỏ xanh hàng ngày của bê cần đảm bảo đủ 15 kg/con/ngày (lúc đạt 7 tháng tuổi), 20 kg (khi 12 tháng tuổi), lượng thức ăn tinh 1 - 2 kg/con/ngày.
Với điều kiện nuôi dưỡng như vậy nếu bê không tăng trọng hoặc tăng trọng chậm, lông xù xì cần tiến hành kiểm tra phân để tìm trứng giun sán. Trường hợp có giun sán, tiến hành tẩy. Nếu không có giun sán thì tăng thêm 0,5 - 1 kg rỉ mật hoặc bột sắn. Trong điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng tốt bê 15 - 20 tháng tuổi có thể đạt 65 - 70% khối lượng cơ thể gia súc trưởng thành.
Thực hiện công tác phân đàn dựa vào độ tuổi, thể trọng, tình hình sức khỏe và tính biệt (phải nuôi tách riêng bê đực và bê cái).
Nếu bê nuôi nhốt thì hàng ngày, người nuôi phải cho bê vận động trong thời gian 4 - 6 giờ. Trong thời gian này kết hợp cho bê ăn cỏ khô và các thức ăn khô khác ngay trên bãi vận động.
Chọn bê đực làm giống cần được tập cho nhảy giá và phối giống.
Bò hậu bị 13 - 24 tháng tuổi
Trong giai đoạn nuôi hậu bị nên chăn thả và cho chúng ăn tự do thức ăn thô xanh chất lượng tốt, có bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, vitamin... Ngoài ra, cũng cần lựa chọn các loại thức ăn có giá trị năng lượng cao đưa vào khẩu phần (ngô, cám…), giảm thiểu các loại thức ăn thô xanh kém chất lượng để giữ dạng hình bụng đực giống thon gọn.Khẩu phần thức ăn hàng ngày được chia thành 2 giai đoạn, 13 - 18 tháng tuổi cho ăn 20 - 25 kg cỏ tươi/con/ngày, 1,5 kg thức ăn tinh hỗn hợp/con/ngày, cho ăn 2 lần/ngày; Giai đoạn 19 - 24 tháng, đảm bảo 30 - 35 kg cỏ tươi/con/ngày, 2 kg thức ăn tinh hỗn hợp/con/ngày.
Giai đoạn này cần nuôi tách riêng bò đực và bò cái. Cần chú ý đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn để chúng không bị còi cọc, bệnh tật, ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục và khả năng sinh sản của chúng sau này.
Vệ sinh phòng bệnh
Chuồng nuôi sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, tránh độ ẩm cao, không để phân dính bết lông. Thức ăn và nước uống luôn sạch sẽ, đảm bảo trong máng luôn có nước để bê uống tự do. Hàng ngày dọn rửa chuồng, máng ăn, máng uống một lần; Một tuần nên tổng vệ sinh tẩy uế chuồng trại 1 lần để tiêu diệt các mầm bệnh có thê xâm nhập vào khu vực chuồng nuôi.
Không chăn thả bò ở các bãi cỏ gần khu công nghiệp, ruộng vườn mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Không chăn thả chung với các gia súc có thể truyền bệnh truyền nhiễm cho bò.
Trường hợp nuôi nhốt tại chuồng, bắt buộc phải cho chúng vận động ngoài trời, mỗi ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần 2 - 3 giờ, đặc biệt là đối với đực giống hậu bị.
Không cho bò, bê ăn thức ăn có chứa các chất độc hại (ví dụ cỏ dính thuốc trừ sâu) hoặc thức ăn lên men quá nhanh dễ gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa. Cỏ và thức ăn xanh cần rửa sạch, phơi tái trước khi sử dụng.
Thường xuyên khơi thông cống rãnh quanh chuồng trại và bãi chăn thả, phát quang bụi rậm, xịt thuốc diệt côn trùng 1 lần/tháng.
Xây dựng các điểm uống nước cho bò trên các bãi chăn thả.
Cần tiêm phòng định kỳ một số bệnh truyền nhiễm bằng vaccine.
Khi bò bệnh cần điều trị kịp thời. Cách ly ngay bò bệnh ra khỏi đàn, lồng chuồng bò bệnh nên sát trùng hằng ngày, khi tiếp xúc với bò bệnh xong cần phải rửa và sát trùng tay trước khi tiếp xúc với bò khỏe. Nhốt bò mắc bệnh truyền nhiễm thêm ít nhất 2 tuần sau khi khỏi bệnh. Bồi dưỡng sức khỏe, cho bò ăn uống đầy đủ bổ sung thêm khoáng, vitamin.