Chăn nuôi gia cầm: Thời cơ bứt phá

Chăn nuôi gia cầm: Thời cơ bứt phá
Ngành gia cầm Việt Nam đã và đang phát triển khá ổn định, có đóng góp lớn trong đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt ở nông thôn. Song để có thể phát triển hơn nữa trong nửa cuối năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự tham gia tích cực hơn của các thành phần kinh tế.

Ổn định để phát triển

Trong những tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi nói chung và ngành hàng gia cầm nói riêng đã và đang đã ghi nhận những con số tăng trưởng khá ổn định. 

Theo số liệu của Hải quan, tháng 5/2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 45,8 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2024 đạt 199 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đáng nói là trong tháng 5/2024, không có báo cáo ổ dịch cúm gia cầm mới phát sinh tại các địa phương. Tính từ đầu năm, cả nước xảy ra 7 ổ dịch A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố, số gia cầm mắc bệnh là 11.569 con, số chết và tiêu hủy là 12.424 con (số ổ dịch giảm 36% so với cùng kỳ năm trước). 

Nhìn chung, đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định trong nửa đầu năm, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ. 

Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước 1,21 triệu tấn, tăng 4,8% (quý II ước đạt 617.500 tấn, tăng 4,5%); sản lượng trứng gia cầm khoảng 10,1 tỷ quả, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023 (quý II ước đạt 5,0 tỷ quả, tăng 5,0%).

Vẫn gian nan đầu ra

Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2024 ước đạt 45,3 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 240 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 64,2 triệu USD, giảm 2,4%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 82,4 triệu USD, tăng 20,5%.

Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2024 ước đạt 311,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1,74 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 751,6 triệu USD, tăng 18,6%.

Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm qua, số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm 15 – 20%. Tỷ trọng sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, trang trại chiếm 60 – 65%. 

Chăn nuôi gia cầm vẫn giữ vững đà phát triển với lợi thế đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu vào thấp, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Song, giá gà trong nước vẫn không tăng nhiều, do nguồn cung dồi dào, trong khi xuất khẩu gà dường như chỉ đang trong giai đoạn khai phá thị trường. 

Sáu tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng mặc dù lên tới khoảng trên 1,2 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên giá không tăng nhiều. Trong đó, giá gà công nghiệp tại các tỉnh miền Bắc tháng 6/2024 giảm so với tháng trước, bình quân dao động trong khoảng 29.000 – 32.000 đồng/kg (loại 3,5 kg/con).

Thống kê chăn nuôi

Cạnh tranh gay gắt

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD (hơn 14.000 tỷ đồng), tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, mỗi kilogam thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000 – 47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với sản phẩm nội địa. 

Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, chủ yếu là thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà… 

Trước tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chăn nuôi, trong đó có sản phẩm gia cầm giá rẻ, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam và người tiêu dùng lo ngại các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước. 

Nhiều hộ gia đình chăn nuôi phản ánh tình trạng “bán trứng không đủ bù lỗ nuôi gà mẹ”. Chi phí đầu vào tăng, giá bán cầm chừng khiến không ít hộ nuôi gà rơi vào thua lỗ liên tục trong nhiều tháng. Ước tính giá trứng gà đỏ phải đạt trên 1.700 đồng/quả thì người nuôi mới hòa vốn, nhưng từ đầu năm đến nay giá trứng gà loại này dưới 1.500 đồng/quả, thậm chí có thời điểm chỉ 1.200 đồng/quả.

Trong tháng 4, giá gà công nghiệp giảm 8.000 đồng/kg so với tháng 3. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà công nghiệp lông trắng ở Đồng Nai đang có giá 25.000 đồng/kg, đồng nghĩa mỗi kilogam gà xuất chuồng người chăn nuôi chịu lỗ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Chọn sản phẩm xuất ngoại

Nhìn sang nước bạn Thái Lan, quốc gia này đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn thịt gà, trị giá hơn 100 tỷ baht (khoảng 2,78 tỷ USD) trong năm 2023, đưa Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gà lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Mỹ. 

Các chuyên gia Thái Lan chia sẻ, ngoài các biện pháp bảo hộ nền chăn nuôi gia cầm trong nước, Thái Lan còn áp dụng các mức thuế nhập khẩu rất thấp đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam hiện còn khá nhỏ giọt. Riêng mặt hàng trứng, năm 2023, cả nước chỉ xuất khẩu hơn 34 triệu quả trứng, mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng sản xuất.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ. Đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tập trung “khai phá” thị trường các quốc gia đông người theo đạo Hồi. Tập đoàn De Heus Việt Nam đưa ra lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh với các chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, đặc biệt là chứng nhận Halal. 

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đến nay Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong năm 2023, Cục Thú y đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những mặt hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2024 đã tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ, chắc chắn sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm chăn nuôi gia cầm nói riêng của Việt Nam sẽ sớm tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên trường quốc tế. 

Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore đã khảo sát, làm việc với nhiều doanh nghiệp nhằm xúc tiến việc nhập khẩu, đặc biệt tập trung các mặt hàng chưa được xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam như thịt gà, thịt heo, trứng gà tươi. Singapore mong muốn các sản phẩm gia cầm Việt Nam sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại quốc đảo sư tử, đồng thời thông qua mạng lưới cung ứng của Singapore, sản phẩm gia cầm Việt Nam sẽ đến với khách hàng nhiều nước khác trong nửa cuối năm 2024 và các năm tiếp theo.

“Những năm qua, ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, song cũng cần cụ thể hóa nội dung công việc, thời hạn, tài chính cho từng giai đoạn, sản phẩm dự kiến đạt được, không chung chung. Bên cạnh đó, cần lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các đề án vào chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Phùng Đức Tiến