Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ
Chuồng lợn gần nhà mà chẳng lo nặng mùi…
Sau hơn 10 năm nuôi lợn sống chung với mùi đặc trưng cho đến khi làm mô hình hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học, anh Bùi Văn Truyền (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), thoải mái nói với mọi người: “Bây giờ có đi qua chuồng lợn mà nhắm mắt có nghe tiếng lợn “kháo nhau” mới biết đó là chuồng lợn chứ không phát hiện mùi đặc trưng nữa đâu. Nói nhỏ thôi nha, nuôi lợn bây giờ đỡ vất vả hơn ngày trước rất nhiều".
Thức ăn cho đàn lợn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp được ủ lên men.
Gia đình anh Truyền có trang trại rộng khoảng 1ha ở ngoài đồng, cách xa khu sân cư. Hơn 10 năm qua, anh phát triển chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá. Dù đã làm hết cách để hạn chế ô nhiễm từ nuôi lợn nhưng mùi hôi đặc trưng vẫn như bao lấy khu trang trại.
Anh Truyền nhớ và kể lại: “Ngày đó cũng không có cách gì để giảm bớt. Làm kinh tế đành phải chấp nhận sống chung với cái mùi đặc trưng này thôi”.
Nhưng khi được đi xem mô hình nuôi lợn hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học về, anh Truyền thích lắm và bắt tay vào xây dựng khu nuôi mới để đưa “công nghệ” này vào sản xuất. Cách đây gần 1 tháng, anh Truyền thả chuồng lứa đầu tiên 100 lợn giống. Trước khi đưa chúng tôi thăm trại lợn, anh nói như khoe: “Đúng 20 ngày, lợn tăng được 15kg đó”.
Vì không phải tắm cho lợn, không phải bơm nước làm về sinh chuồng trại hàng ngày nên anh không còn sự vất vả trong chăn nuôi. Trong chuồng, đàn lợn con sạch sẽ đang tranh nhau ăn thức ăn mà anh Truyền mới đổ vào. “Qua đợt nắng nóng này, nhờ không phải bơm nước nên mỗi tháng gia đình tôi cũng đỡ được vài triệu tiền điện đấy”, anh Truyền nói.
Đệm lót sinh học bằng mùn cưa, vỏ trấu trộn với men vi sinh được xới 2 ngày/lần, cơ bản hạn chế được ô nhiễm môi trường
Chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Tú Hải ở xã Thuận Đức (thành phố Đồng Hới) là hộ gia đình được hỗ trợ hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ.
Trước đây, gia đình chị Hải cũng đầu tư hệ thống chuồng nuôi lợn theo kiểu truyền thống. Chuồng được làm cách xa nhà ở hơn 5m để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, dù đã dội, xịt nước tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày nhưng chuồng lợn vẫn rất nặng mùi.
Được hỗ trợ, gia đình chị Hải đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn và luôn duy trì tổng đàn 200 con. Mặc dù chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng gia đình luôn có ý thức bảo đảm vệ sinh môi trường.
“Vì tôi biết nếu chăn nuôi không đảm bảo môi trường là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và lây lan dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình”, chị Hải nói thêm.
Trong quá trình xây dựng trang trại, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình hướng dẫn gia đình chị Hải thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Chuồng trại được thiết kế sử dụng đệm lót sinh học, thức ăn sẵn có phối trộn với men vi sinh.
Khi chúng tôi đến thăm đàn lợn, chị Hải đưa ra phía sau nhà, mọi người đi qua vùng đệm tiếp xúc có rải vôi bột để khử khuẩn rồi vào khu vực chăn nuôi. Đàn lợn đang nằm, nghe tiếng người chen nhau dậy, ghếch mõm đòi ăn.
Chị Hải mang ủng chân, vào chuồng lợn dùng cào xới lớp đệm lót sinh học đều lên. Vừa làm chị vừa giải thích: “Lớp lót này gồm trấu, mùn cưa và chế phẩm sinh học được trộn đều nhau. Nó có tác dụng làm lên men phân và nước thải từ đàn lợn. Việc cào xới hàng ngày giúp cho lớp đệm có tác dụng hơn và làm cho chuồng trại luôn sạch”.
Theo quy trình nuôi hữu cơ không nhất thiết phải dùng đến thức ăn chăn nuôi nhà máy mà người nuôi chỉ cần sử dụng sản phẩm nông nghiệp như bột ngô, cám, bột sắn… Những sản phẩm này được phối trộn với chế phẩm sinh học theo tỷ lệ của trọng lượng đàn lợn rồi ủ trong vòng 24 giờ cho lên men là sử dụng tốt.
Chị Hải cho biết thêm: “Tôi còn dùng thứ sẵn có như thân chuối, rau xanh… thái nhỏ, trộn chế phẩm sinh học lên men rồi cho lợn ăn. Vừa tận dụng được cây quanh nhà, vừa đỡ khoản tiền mua thức ăn đóng bao nên rất thuận tiện cho chăn nuôi nông hộ”.
Thấy chúng tôi quan sát không thấy hệ thống ống nước để tắm cho lợn và làm vệ sinh chuồng trại, chị Hải cười giải thích là nuôi theo hướng hữu cơ này không phải tốn nước, tốn tiền bơm nước. “Trong quá trình nuôi không phải tắm mà lợn vẫn luôn sạch sẽ.
Thêm nữa, chỉ cần xáo trộn thảm lót sinh học chứ không cần bơm xịt chuồng trại. Sau 4 tháng nuôi, khi xuất bán lợn thì lấy hết đệm này ra ủ làm phân hữu cơ bón cây rất tốt và đưa trấu, mùn cưa, chế phẩm sinh học vào làm thảm mới cho lứa lợn sau thôi”, chị Tú Hải nói.
Dù không sử dụng nước tắm nhưng đàn lợn vẫn sạch sẽ trong chuồng.
Triển khai rộng mô hình
Trong hai năm qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện hỗ trợ nuôi lợn theo hướng hữu cơ cho các hộ gia đình. Theo đó, Chi cục đã thực hiện hỗ trợ 15 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ với tổng số 765 con lợn nuôi thương phẩm (quy mô 20 - 115 con/cơ sở) tại 6 huyện, thành phố, thị xã.
Theo bà Cao Thị Hải, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình), các mô hình sử dụng giống lợn ngoại nuôi thương phẩm, trọng lượng bình quân khoảng 10kg/con.
“Giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn dịch bệnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định trước khi đưa vào nuôi. Thực hiện chuyển đổi vật nuôi ngay sau khi cai sữa để chăn nuôi theo hướng hữu cơ với thời gian nuôi không ít hơn 4 tháng”, bà Cao Thị Hải cho hay.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ sử dụng thảm lót sinh học phù hợp với trang trại và cả chăn nuôi hộ gia đình.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai mô hình, Chi cục phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận cơ sở chăn nuôi hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi chỉ đạo với hình thức “bắt tay chỉ việc”. Từ đó, cơ sở xây mới, cải tạo chuồng trại, chuẩn bị dụng cụ, vật tư đầy đủ; chủ động cung ứng men vi sinh rải chuồng, vacxin các loại cho cơ sở chăn nuôi.
Điều đáng quan tâm là trong 15 mô hình, chỉ có 1 mô hình xây dựng chuồng trại mới. Còn lại 14 mô hình thực hiện cải tạo chuồng trại cũ nên thuận tiện cho bà con tham gia. Diện tích nền chuồng trung bình 1,7 - 2,4m2/con lợn trưởng thành. Trong đó, có 1/3 diện tích làm nền bê tông và có độ dốc (2 - 3%) để thoát ẩm, 2/3 diện tích còn lại làm đệm lót sinh học. Đệm lót được làm từ các nguyên liệu trấu, mùn cưa ủ với men vi sinh BALASA-NO1.
Chị Nguyễn Thị Tú Hải cũng cho hay, trong trường hợp giá bán 50.000 đồng/kg lợn hơi (giá thấp nhất) thì cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ vẫn có lãi khoảng 1 triệu đồng/con. “Trên thực tế, các cơ sở bán lợn với giá cao hơn hoặc bằng giá lợn trên thị trường nên hiệu quả kinh tế cao hơn”, chị Hải nói thêm.
Nhiều trang trại tại Quảng Bình đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Nhiều hộ gia đình như anh Cao Đức Anh (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, nuôi 50 con lợn), anh Đoàn Anh Quân (xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, nuôi 50 con), Đỗ Văn Hùng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, nuôi 100 con)… cũng đều có kết quả rất tốt.
Ông Đỗ Văn Hùng cho biết: “Nuôi lợn theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử đệm lót sinh học đã xử lý tốt chất thải, hạn chế lây lan dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững ở vùng nông thôn”.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình cho hay, năm nay, Chi cục tiếp tục hỗ trợ và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học cho các trang trại và hộ gia đình.
“Chúng tôi còn xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các hộ và triển khai một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt lợn hữu cơ đến người tiêu dùng Trên cơ sở đó, tiến tới thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi”, ông Trần Công Tám cho biết.