Khuyến nông cộng đồng hướng tới khuyến nông dịch vụ
Quốc gia nào có nông nghiệp đều có khuyến nông. Hiện nay, khuyến nông mỗi nước đều có áp lực, khó khăn riêng. Khuyến nông Việt Nam chọn giải pháp nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông thông qua xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng với 4 nhóm chức năng: Tư vấn thị trường và phát triển sản xuất, hỗ trợ HTX, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số trong khuyến nông. Sau một năm thực hiện, Đề án đã vượt qua kết quả mong đợi.
Khuyến nông cộng đồng Trung ương Hàn Quốc thăm và làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Các nước trên thế giới làm khuyến nông cộng đồng
Đối tượng phục vụ của khuyến nông là nông dân, người sản xuất. Nông nghiệp các nước trên thế giới đang theo hướng thu hẹp về quy mô, lực lượng lao động, số lượng nông dân giảm dần. Ở Mỹ, tỷ lệ nông dân chỉ chiếm 2% dân số. Ở Hàn Quốc, nông dân có khoảng 2,24 triệu người (chiếm 4,3% tổng dân số), đặc biệt có tới 46,5% trong số này là các cao niên từ 65 tuổi trở lên (ngoài độ tuổi lao động). Ở Thái Lan, nông nghiệp thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này.
Khuyến nông các nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn như nhu cầu khuyến nông cao, đa dạng, cạnh tranh với khuyến nông khối tư nhân. Trong khi năng lực hệ thống khuyến nông không đáp ứng được nhu cầu nông dân; thiếu nguồn lực tài chính từ Chính phủ chi cho khuyến nông...
Xu hướng khuyến nông trên thế giới đã và đang theo hướng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ được chi trả, ví dụ Hàn Quốc có tư vấn quốc tế về khuyến nông, khuyến nông cộng đồng Trung ương đang được hình thành. Hàn Quốc là quốc gia có dịch vụ cơ giới hoá, dịch vụ về thị trường rất rõ nét. Ở Thái Lan, dịch vụ khuyến nông công nghệ cao và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh theo hướng kết nối cộng đồng “hợp tác nhóm” để cung cấp dịch vụ đầy đủ.
Khuyến nông Việt Nam ngày càng đổi mới trong hoạt động theo xu hướng quốc tế.
Thái Lan định hướng khuyến nông theo hướng phát triển triển nghề nghiệp cho nông dân, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và quản lý các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị (thúc đẩy nông nghiệp mang bản sắc địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông qua mô hình kinh tế "xanh - tuần hoàn - sinh học", tăng cường năng lực cá nhân, tổ chức cũng như cộng đồng nông dân (nâng cao vai trò nông dân cao tuổi, hình thành và phát triển tầng lớp nông dân trẻ trở thành nông dân thông minh..); thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển khả năng tổ chức, quản lý tập trung, tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và phát triển cơ sở dữ liệu trong công tác khuyến nông.
Nằm trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường với đặc tính riêng, nhưng vẫn tuân theo quy luật chung của nền kinh tế thị trường, đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Tất yếu, khuyến nông phải hoà mình vào quy luật đó, khi còn nhu cầu khuyến nông thì còn khuyến nông, không đáp ứng được nhu cầu, khuyến nông sẽ tự suy yếu. Trong tương lai, khi nông nghiệp thực sự là nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, nông dân sẽ phải trả dịch vụ cho khuyến nông, nếu họ chấp nhận sử dụng dịch vụ khuyến nông.
Cần nhân rộng khuyến nông cộng đồng theo hướng dịch vụ
Năm 2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Hệ thống khuyến nông cơ sở ngày càng được kiện toàn, cơ cấu lại.
Đề án triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang) và vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An). Sau một năm hoạt động, Đề án đã vượt qua những kết quả mong đợi với một số tác động ban đầu:
- Khuyến nông cộng đồng nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở. Tổ chức khuyến nông cơ sở được cơ cấu lại, gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông; đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
- Khuyến nông cộng đồng cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở, trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông. Đề án tập trung hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ khuyến nông đang làm việc tại hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất.
Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập đang thổi làn gió mới cho hoạt động của khuyến nông Việt Nam.
- Khuyến nông cộng đồng làm đa dạng chức năng, nhiệm vụ của khuyến nông cơ sở. Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng cung cấp nhiều công năng để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo 4 nhóm hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn, hỗ trợ hình thành HTX nông nghiệp; phát triển thị trường, liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX.
Với những định hưởng đổi mới khuyến nông phù hợp với bối cảnh và tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam, mô hình khuyến nông cộng đồng thực sự là mô hình phù hợp nhằm nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở, tạo nền tảng để chuyển hướng từ khuyến nông bao cấp sang khuyến nông dịch vụ và đa dạng chức năng khuyến nông, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Năm 2023 tiếp tục là năm thực hiện Đề án thí điểm để làm cơ sở nhân rộng ra toàn quốc.
Kết quả nổi bật
Đề án thí điểm triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thuộc đề án thí điểm (ngoài ra các tỉnh đã thành lập 104 tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án vùng nguyên liệu).
Bên cạnh các tỉnh tham gia Đề án thí điểm, nhiều địa phương cũng đang chủ động thành lập hệ thống tổ khuyến nông cộng đồng với số lượng lớn.
Ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm 12 tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ), trong đó có một số tỉnh, thành đã thành lập số lượng lớn các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng (132 tổ); Hậu Giang (50 tổ); Quảng Nam (đến 2024 phấn đấu 100% xã có tổ khuyến nông cộng đồng)... Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, HTX, doanh nghiệp...).