Kinh nghiệm nuôi tôm sạch ở Sóc Trăng

Kinh nghiệm nuôi tôm sạch ở Sóc Trăng

Vùng ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng từ đầu tháng 10/2019 đến nay mưa ngớt dần, nhiều khả năng hạn sẽ tới sớm. Dự báo trồng trọt sẽ thiếu nước tưới, nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh.

Hiện một số địa phương ở Sóc Trăng phát hiện tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh nặng hơn là phân trắng khiến bà con chưa dám thả tôm giống vụ 2.

Vừa qua, một công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu lớn đã tổ chức hội thảo về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm. Tại đây, các nhà khoa học của công ty này cho biết, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên đang bùng phát và gây thiệt hại nặng. Vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Cũng theo các chuyên gia nuôi tôm của công ty trên, đối với 2 bệnh này hiện chưa có thuốc trị, giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất “4 sạch”.

Trước hết là sạch về con giống. Con giống trước khi xuất bán được kiểm tra 10 loại dịch bệnh, khi nào tất cả đều âm tính, mới cho xuất bán ra thị trường. Nếu kiểm tra không đạt sẽ hủy bỏ toàn bộ. Thực tế cho thấy, các trang trại lớn nuôi tôm khi nhận con giống của công ty về kiểm lại đều không phát hiện bệnh. Nhưng đối với con giống một số công ty khác khi kiểm dịch, thỉnh thoảng vẫn có dương tính với một số loại bệnh.

Kinh nghiệm nuôi tôm ở Sóc Trăng

Nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm

Vấn đề thứ hai là nước sạch. Để có nước sạch, quy trình xử lý rất quan trọng, bởi cần làm cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám, bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt.

Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm. Nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản, nuôi tôm, nếu không có giá thể chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết. Nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm…Do đó việc khử trùng toàn bộ một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Kinh nghiệm nuôi tôm ở Sóc Trăng

Nuôi tôm trúng vụ

Kinh nghiệm từ mô hình nuôi ao nổi cũng là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, vừa tiết kiệm được năng lượng, tăng oxy hòa tan. Tuy vậy có điều khi thu hoạch tốn công dọn dẹp hệ thống oxy rất nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm giống “4 sạch”, trại nuôi tôm Tân Nam ở Vĩnh Châu của Công ty Sao Ta thả nuôi vụ chính (vụ 1 năm 2019) mật độ 250 con/m2.

Kết thúc vụ 1 thu hoạch khá tốt, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90%, trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là xem như trúng vụ. Thành công của Tân Nam ở các vụ nuôi vừa qua, nuôi đạt theo tiêu chuẩn ASC và BAP là do sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng.

Trong vụ 2 Tân Nam đã thả nuôi dứt điểm với 200 ao, nhưng mật độ thả giảm xuống còn 200 con/m2. Đến nay những ao thả đầu tiên đến nay đã qua hơn 2 tháng. Nhờ thời tiết dứt mưa nên tình hình chung nuôi tôm khá thuận lợi.

Hơn nữa kinh nghiệm nuôi tôm của Tân Nam cho thấy việc sử dụng vi sinh tự nghiên cứu để chiếm chỗ đáy ao nuôi, hạn chế vi khuẩn có hại. Trong khi đa số người nuôi tôm rất sợ nắng nóng dễ phát sinh vi khuẩn vibrio para, nhưng với trại Tân Nam nắng là tốt.

Trước đây, mỗi ngày trại chỉ sản xuất 2.000 lít vi sinh, năm nay tăng lên đến 4.000 lít/ngày. Đây là một trong điểm tạo nên thành công của trại nuôi và là mơi có một không hai về tự chủ nguồn vi sinh có hiệu quả.