Phòng bệnh nhiễm giun sán ở gia cầm
Ðặc điểm
Tác động của giun sẽ phụ thuộc vào cường độ nhiễm trùng, tuy nhiên nó sẽ làm giảm sức khỏe và có tác động tiêu cực đến hiệu suất tăng trưởng và sản xuất. Có nhiều loài giun sán khác nhau ảnh hưởng đến gia cầm thương phẩm. Trong đó, phần lớn chúng thuộc 2 loại:
Giun tròn: Gồm những loài có thể lây truyền trực tiếp từ gia cầm này sang gia cầm khác, nhưng cũng có những loài cần động vật không xương sống làm vật chủ trung gian (giun đất, ốc sên, côn trùng…). Quan trọng nhất trong nhóm này là:
Ascaridia galli: Thường dài 5 – 10 cm, sống ký sinh trong ruột non.
Capillaria spp.: Dài khoảng 1 cm, sống trong ruột non.
Heterakis gallinarum: Dài 1 – 1,5 cm, sống ở manh tràng.
Syngamus trachea: Sống trong khí quản.
Sán dây: Những loài này cần một vật chủ trung gian để hoàn thành vòng đời của chúng. Quan trọng nhất trong nhóm này là:
Davainea proglottina: Dài tới 2 cm, sống ở tá tràng.
Raillietina spp.: Kích thước thay đổi, lên đến 25 cm hoặc có trường hợp dài hơn, chúng sống ở ruột non.
Giun trưởng thành đẻ trứng, trứng được đào thải ra ngoài theo phân và gặp điều kiện môi trường thuận lợi (độ ẩm, nhiệt độ) sẽ phát triển thành giai đoạn ấu trùng có khả năng gây nhiễm cho gia cầm. Gia cầm bị nhiễm bệnh khi ăn phải trứng, ấu trùng hoặc vật chủ trung gian. Côn trùng (bọ cánh cứng, ruồi…) cũng có thể đóng vai trò là vectơ truyền bệnh.
Triệu chứng
Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào số lượng giun trong cơ thể gia cầm, nhưng nhìn chung, dấu hiệu khi gia cầm bị bệnh bao gồm giảm tốc độ tăng trưởng (thậm chí sụt cân), tình trạng phân đàn lớn, tiêu chảy, thiếu máu và giảm sản lượng trứng. Chất lượng trứng cũng bị ảnh hưởng, vỏ trứng và lòng đỏ nhạt màu. Ở các đàn gà mái, khả năng sinh sản thấp hơn.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm giun nặng có thể dẫn đến tử vong.
Gia cầm bị nhiễm Syngamus trachea có dấu hiệu về hô hấp như thở hổn hển, lắc đầu, vươn cổ và há miệng để lấy không khí.
Ngoài ra, gia cầm bị nhiễm giun thường biểu hiện hành vi mổ cắn nhau nhiều hơn và dễ mắc các bệnh khác hơn.
Mặc dù Heterakis gallinarum thường không gây ra thiệt hại nghiêm trọng, nhưng Heterakis gallinarum có thể mang Histomonas meleagridis, một loại ký sinh trùng đơn bào gây bệnh đầu đen trên gia cầm. Gà có thể bị nhiễm bệnh nếu chúng ăn phải trứng giun hoặc giun đất chứa trứng giun.
Chẩn đoán
Tiến hành mổ khám để xác định loài gây bệnh. Với loài giun kích thước lớn, có thể dễ dàng phát hiện bằng mắt thường trong khi giun nhỏ hơn và trứng cần kiểm tra dưới kính hiển vi.
Ðiều trị và kiểm soát
Các sản phẩm trị giun sán được sử dụng phổ biến nhất ở gia cầm thương mại trên toàn thế giới là piperazine, levamisole và các hợp chất từ benzimidazole như flubendazole và fenbendazole. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần kiểm tra xem sản phẩm đó có được đăng ký và phê duyệt để điều trị cho gia cầm trong nước và trong các đàn sản xuất hay không.
Không nên dùng loại thuốc tẩy hòa vào nước uống cho gà thả rông bởi chúng có thể uống từ các nguồn khác (như vũng, ao hồ và những nguồn tương tự). Do vậy gà không nạp đủ liều thuốc tẩy và việc điều trị sẽ không hiệu quả. Trường hợp này, cần tạm thời nuôi nhốt chúng hoặc chọn loại thuốc tẩy khác.
Loại thuốc tẩy trộn với thức ăn chỉ hiệu quả nếu cho gà ăn đầy đủ, tốt nhất không giới hạn. Nếu khống chế lượng thức ăn, những con đầu đàn sẽ giành ăn nhiều hơn khiến những con yếu hơn không ăn đủ (mà đây có lẽ là những con đang bị nhiễm giun). Trong quá trình điều trị, gà không được phép ăn rau xanh hay cỏ bởi chúng sẽ bớt ăn thức ăn trộn thuốc, và như vậy là không đủ liều.
Ngoài điều trị, cần ngăn chặn sự xâm nhập của giun bằng cách làm sạch và khử trùng đúng cách, chăn nuôi đầy đủ và kiểm soát bệnh cầu trùng đúng cách. Thực hiện các biện pháp để loại bỏ vật chủ trung gian nhằm phá vỡ vòng đời phát triển của giun.
Trong các hệ thống thả rông, để ngăn chặn các vấn đề về giun, nên luân phiên sử dụng chuồng và có thể xử lý bằng các sản phẩm có khả năng tiêu diệt ấu trùng sán (canxi xyanua, sắt sunfat).