Phòng và điều trị bệnh tiêu chảy phân vàng do trùng roi ở gia cầm
Tác nhân
Nguyên nhân gây bệnh là do trùng roi Trichomonas một loại đơn bào thuộc ngành nguyên sinh động vật (Protozoa), họ trùng roi (Trichomonadidae), có 2 loại trùng roi: Loài trùng roi ruột
non có 4 roi (Trichomonas gallinae) chúng gây bệnh cho gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim câu và một số hoang cầm khác. Loại trùng roi ruột già có 5 roi (Trichomonas gallinarum) chúng cũng ký sinh ở các loại gia cầm, thủy cầm nuôi và hoang cầm.
Tuy trùng roi có 2 chủng cơ bản như đã nêu ở trên nhưng khi chúng gây bệnh thì được mang các tên khác nhau. Chẳng hạn, khi gây bệnh cho gà thì có tên Trichomonas gallinarum, khi gây bệnh cho vịt thì mang tên Trichomonas anatis.
Phương thức truyền lây: Bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng (ăn, uống).
Triệu chứng
Thời kỳ ủ bệnh 6 - 15 ngày. Bệnh có 2 thể biểu hiện.
Thể cấp tính: Thường xuất hiện ở gia cầm đang lớn 5 - 6 tháng tuổi với các triệu chứng: Sốt cao, ủ rũ, xù lông, chán ăn, chảy nhiều nước mắt. Sã cánh, đứng rụt cổ, mắt nhắm nghiền hoặc nằm tụm đống, với sự tiến triển bệnh chúng còn bị liệt chân, liệt cánh, đặc biệt là ở thủy cầm. Tiêu chảy mạnh, phân loãng vàng. Nếu trùng roi ký sinh trong niêm mạc vùng họng, hầu thì thấy thêm hơi thở ra có mùi thối khó chịu. Khi trùng roi ký sinh trong các cơ quan nội tạng thì bệnh sẽ có các biểu hiện của nhiễm trùng huyết. Mổ khám lúc này thấy rõ viêm xuất huyết dạ dày - ruột và viêm hoại tử gan - ruột rất giống các biến đổi của bệnh viêm gan - ruột truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh đầu đen ở gà và gà tây.
Thể mãn tính: Đây là thể bệnh thường gặp ở gia cầm, thủy cầm lớn tuổi (> 6 tháng tuổi) với các biểu hiện giống như thể cấp tính nhưng mức độ nhẹ hơn. Đặc biệt khi vạch hậu môn để khám sẽ thấy có một màng giả đã và đang cazein hóa (bã đậu) trắng vàng bao phủ và ăn sâu vào tận các lớp thanh mạc (mucose) và dưới lớp thanh mạc (Submucose) nếu bóc tách lớp màng này ra sẽ thấy các điểm loét chảy máu ở lỗ huyệt. Ở vùng hầu họng cũng quan sát thấy có nhiều nốt sần trắng vàng đang bị cazein hóa. Ở gia cầm đẻ trứng, thấy giảm đẻ mạnh.
Mổ khám
Trên bề mặt niêm mạc miệng, họng, hầu, thanh quản, thực quản, diều và dạ dày tuyến có nhiều nốt sần vàng trắng hoại tử hoặc được phủ một lớp màng giả màu vàng trắng đang bị cazein hóa (bã đậu), thậm chí khối bã đậu này làm đầy thực quản và dạ dày tuyến.
Ở gan, lách và một số cơ quan nội tạng khác đôi khi có các ổ viêm hoại tử lồi lên với màu vàng ngà hoặc được bao phủ moat màng giả. Phổi bị viêm lổ đổ, tụy cũng bị viêm, buồng trứng cũng bị viêm. Viêm phúc mạc và màng bao tim. Ruột bị viêm xuất huyết và hoại tử loét. Ở vịt, ngan viêm ống dẫn trứng và phúc mạc là thường gặp nhất.
Chẩn đoán
Bệnh dễ dàng được nhận biết thông qua các số liệu về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám. Song để phân biệt với bệnh đầu đen ở gà hoặc do Histomonas nói chung cần xét nghiệm phân để tìm thấy Trichomonas đang di chuyển.
Phòng bệnh
Giữ đúng nguyên tắc chăn nuôi: Không nuôi chung các loại gia cầm với thủy cầm; Không nuôi gia cầm, thủy cầm khác lứa tuổi cùng nhau; Thường xuyên tẩy uế dụng cụ thiết bị chuồng trại và giữ sạch nguồn nước uống; Cứ 20 ngày cho đàn gia cầm hoặc thủy cầm uống thuốc tím hoặc Sulfat đồng 1 lần, 1 g thuốc tím hoặc 2 g sulfat đồng pha với 10 lít nước cho gà uống trong 1 - 2 giờ, nếu thừa phải đổ bỏ.
Điều trị
Tất cả thuốc đặc trị bệnh do Histomonas đều là thuốc đặc trị bệnh tiêu chảy phân vàng do trùng roi Trichomonas.
Phác đồ 1:
- Tiêm bắp T. Avibracin: 1 ml/5 kg P/lần/ngày.
- Cho uống:
+ Hepaton hoặc T. FloxC: 20 g
+ Giải độc gan, lách TA, thận: 40 g
+ T. Cúm gia súc: 20 g
Trộn thức ăn hoặc pha 15 - 20 lít nước uống cho 100 kg gia cầm, dùng 3 - 4 ngày.
Phác đồ 2:
Cho ăn:
- Sutrim - NT hoặc T. Coryzin: 20 g
- T. Cúm gia súc hoặc Anti - Gum: 100 g
- Giải độc gan TA. Sorbitol + B12: 100 g
Trộn thức ăn hoặc pha 15 - 20 lít nước uống cho 100 kg gia cầm, dùng 4 - 5 ngày Nếu bệnh nặng có thể dùng gấp rưỡi.