Phòng và trị bệnh nấm da lông trên trâu, bò
Nguyên nhân
Bệnh do một số loài nấm ký sinh ở da và lông gây ra. Bệnh thường gặp ở bò sữa và bò nuôi tập trung, đặc biệt là bê sữa một năm tuổi trở lại. Các khuẩn ty và bào tử nấm xâm nhập vào da lông do gia súc tiếp xúc môi trường chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ, thức ăn có mầm bệnh hoặc gia súc đang bị nhiễm nấm. Khi nấm xâm nhập vào da lông ở trâu, bò, gặp các điều kiện thuận lợi, nấm sẽ phát triển thành các ổ nấm, gây ra tình trạng rụng lông, lở loét, mẩn ngứa, sức khỏe vật nuôi giảm, ăn ngủ kém.
Phương thức gây bệnh: Ký sinh
Loài gây bệnh: Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum… Phổ biến nhất là trichophyton verrucosum.
Mùa: Quanh năm, tập trung mùa đông, xuân, thời tiết ấm, ẩm.
Xâm nhập, lây lan qua: Nuôi nhốt tập trung, thức ăn có mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.
Lứa tuổi mắc: Mọi lứa tuổi. Hay gặp ở 5 – 6 tháng tuổi.
Triệu chứng
Khi trâu, bò bị nhiễm nấm da lông thường có ba dấu hiệu đặc trưng: Các mụn sùi loét trên da có phủ vảy vàng xám hoặc nâu sẫm, cạy vảy ra, phía dưới có loét đỏ. Các đám da sần sùi loét có thể tập trung từng đám hoặc riêng rẽ. Các đám da bị sần sùi, nhăn nheo, dầy cộm trên mặt da nhưng không bị lở loét, lông rụng từng đám. Trên da nổi các mụn cóc to, nhỏ khác nhau bị sừng hóa sần sùi màu xám hoặc nâu nhạt rải rác ở hai bên sườn, mông, vai và thường gặp ở bê, nghé 6 – 12 tháng tuổi.
Bệnh do các loài nấm khác nhau gây lên thì triệu chứng của bệnh cũng sẽ khác nhau, cụ thể như sau:
Nấm Candida albicans: Nổi mụn đỏ, nổi mẩn trên da mọng lên, nặng sẽ vỡ loét sau đóng vảy vàng xám, các đám lông xung quanh vết loét bị rụng đi.
Nấm Trichophyton spp.: Da sần sùi, dày cộm, không vỡ loét, các nốt sần sùi phát triển to hơn và cứng lại. Mụn cóc phát triển và lây lan nhanh trên da, bị sừng hóa, thường có màu nâu hoặc xám, kích thước thường khác nhau.
Phòng bệnh
Khi phát hiện bệnh sớm, tiến hành cách ly trâu, bò bệnh và điều trị kịp thời; vệ sinh chuồng trại, sử dụng thuốc diệt nấm (dung dịch xút – NaOH 3% + dung dịch sun phát đồng – CuSO4) phun định kỳ 2 – 3 tháng/lần. Nấm da, lông là bệnh rất dễ gặp do tập tính chăn thả và điều kiện khí hậu nước ta thay đổi, vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Tắm chải gia súc hàng ngày.
Chuồng trại khô ráo, thoáng mát, có sân bãi chăn thả cho gia súc tắm nắng. Định kỳ sát trùng chuồng trại 15 ngày/lần. Phun đều bề mặt chuồng, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh, mỗi tuần 1 – 2 lần, liên tục 2 – 3 tuần.
Thường xuyên kiểm tra phát hiện gia súc bệnh để cách ly điều trị.
Điều trị
Có rất nhiều cách để điều trị nấm da lông cho trâu, bò. Tuy nhiên, đơn giản và thuận tiện nhất người chăn nuôi có thể điều trị bằng một trong 3 phác đồ như sau:
Phác đồ 1: Dùng dung dịch pha sẵn ASA bao gồm dung dịch axit Salicylic và axit lactic (5%). Bôi dung dịch này vào các đám da lông bị bệnh 1 – 2 lần/ngày. Cần rọ mõm để trâu, bò không liếm thuốc.
Phác đồ 2: Dung dịch pha sẵn ASI gồm axit Salixylic (5%), Iodua kali 10%, cồn Ethylic 35⁰. Bôi dung dịch này vào các đám da lông bị bệnh 1 – 2 lần/ngày. Cần rọ mõm để trâu, bò không liếm thuốc.
Phác đồ 3: Dùng mỡ Genthizone 20 g, bôi vào đám da lông bị bệnh 1 – 2 lần/ngày.
Khi dùng một trong 3 cách điều trị trên, người nuôi nên kết hợp thêm các thuốc kháng sinh và trợ lực, nếu nhiễm khuẩn có thể dùng thêm kháng sinh để điều trị. Dùng phối hợp Penicillin với Kanamycin, dùng theo liều khuyến cáo của các chuyên gia, tiêm liên tục 4 – 5 ngày. Cho trâu, bò uống vitamin giúp cho da tổn thương mau hồi phục, để tình trạng bệnh cải thiện tốt hơn.