Sử dụng kiến vàng quản lý sâu hại trên cây sầu riêng
Hiện nay, sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng đã phát triển đến con số trên 150.760ha. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn nhất, đạt gần 75.500ha; ĐBSCL khoảng 42.890ha; Đông Nam bộ khoảng 25.366ha và Duyên hải Nam Trung bộ hơn 7.000ha.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng ồ ạt, không theo quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy như mất cân bằng sinh thái tự nhiên, đất bị thoái hóa, môi trường ô nhiễm do lạm dụng quá mức thuốc BVTV, phân bón hóa học... Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm trên nông sản cũng đang là mối lo ngại khi các nước nhập khẩu liên tiếp đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và cảnh báo để ngăn chặn các sản phẩm không an toàn.
Các cán bộ kỹ thuật tiến hành thả kiến vàng trên cây sầu riêng.
ừ thực tế này, năm 2024, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục BVTV) đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk và Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, xây dựng mô hình dùng kiến vàng trong quản lý sinh vật gây hại với quy mô 10ha sầu riêng. Mô hình nhằm giúp người dân có thêm kiến thức và hiểu được vai trò của thiên địch trong phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng dựa trên biện pháp đấu tranh sinh học.
Kiến vàng chúa di chuyển và làm tổ.
Qua điều tra theo dõi tại mô hình cho thấy ở khu vực có thả kiến vàng, tỷ lệ rệp sáp và sâu đục quả gây hại trên sầu riêng ở mức thấp và được kiểm soát khá tốt, vườn sầu riêng trồng xen cũng là nơi rất thích hợp để kiến vàng làm tổ.
Trước đó, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã xây dựng 5 điểm ứng dụng kiến vàng để kiểm soát một số loài sâu hại trên cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với khoảng 100 hộ dân tham gia tập huấn.
Bổ sung thức ăn cho kiến vàng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng kiến vàng để kiểm soát sâu hại trên các vườn cà phê có nhiều ưu điểm so với thuốc BVTV. Kiến vàng có thể kiểm soát các loại sâu hại như sâu đục thân, cành, mọt đục quả, rệp sáp, bọ xít muỗi… Số lượng sâu đục cành và rệp sáp giảm 40 - 50%, từ đó giảm được 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng mà vườn cây vẫn khỏe mạnh, hạn chế tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm cà phê. Điều này đã góp phần tạo nên hệ sinh thái bền vững, đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, môi trường và con người.
Để ứng dụng nhân, thả kiến vàng trên vườn sầu riêng hiệu quả, nông dân cần tạo điều kiện thuận lợi để kiến có thể di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ. Ngoài ra cần bổ sung thêm thức ăn cho kiến vàng như ruột gà, ruột vịt, ruột cá, mỡ heo trong những thời điểm thiếu thức ăn tự nhiên. Quan trong nhất là hạn chế tối thiểu việc sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học, tuyên truyền cho nông dân sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp có nguồn gốc sinh học…
Kiến vàng (Oecophylla smaragdina Fabricius) là loài thiên địch có ích, có khả năng khống chế và tiêu diệt nhiều loại côn trùng gây hại cây trồng. Trong tự nhiên, kiến vàng có mặt khá phổ biến trên nhiều loại cây ăn quả (cam, bưởi, mận, xoài, mít…). Kiến vàng là loài rất dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí chăm sóc. Tuy nhiên kiến vàng rất nhạy cảm với thuốc BVTV, do đó để duy trì và nhân rộng đàn kiến trong vườn, người dân phải hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, nếu không đàn kiến sẽ không tồn tại hoặc bỏ đi nơi khác.