Xuất khẩu gạo quý I cao nhất 12 năm

Xuất khẩu gạo quý I cao nhất 12 năm
Với nhu cầu tăng cao từ các thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I năm nay đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây với khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá

Trong khi nhiều ngành hàng chủ lực ghi nhận sự sụt giảm mạnh do thiếu vắng đơn hàng, xuất khẩu gạo vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao và trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm 2023.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I đạt cao nhất trong 12 năm trở lại đây với gần 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.

Các doanh nghiệp cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo đang diễn ra sôi động hơn sau khi nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu tăng cao tại các thị trường chủ chốt như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê.

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê.

Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 3 giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 – 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 – 552 USD/tấn.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang giao dịch ở mức 480 – 484 USD/tấn, tăng 27 USD/tấn so với tháng trước.

Trả lời hãng tin Reuters, một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết hoạt động giao dịch sẽ tăng trong những tháng tới, do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch hiện tại và nhu cầu lớn từ những người mua truyền thống bao gồm Trung Quốc và Philippines. Thương nhân này cũng cho hay vụ thu hoạch Đông Xuân sẽ kết thúc vào cuối tháng 3.

Một thương nhân khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá gạo Việt Nam thấp hơn Thái Lan, vì vậy một số thương nhân nước ngoài đang chuyển sang mua gạo Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận.

Còn theo các thương nhân Thái Lan, giá gạo của nước này tăng do đồng Baht mạnh lên. Tuy nhiên, đà tăng giá có phần hạn chế bởi nhu cầu trầm lắng và nguồn cung đang gia tăng.

Ở chiều ngược lại, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm 8 USD/tấn so với tháng trước, xuống còn 432 – 436 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết giá gạo đồ Ấn Độ đã giảm khoảng 20 USD/tấn trong một tháng qua. Người này nhận định người mua đang chờ xem liệu giá gạo có thể giảm hơn nữa hay không.

Các nước đẩy mạnh dự trữ lương thực, cơ hội cho gạo Việt

Trong báo cáo tháng 3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng sản xuất gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức 509,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với báo cáo trước, chủ yếu là do sản lượng gạo của Ấn Độ cao hơn dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, sản lượng trong niên vụ hiện tại vẫn thấp hơn 0,8% so với niên vụ 2021-2022 do nguồn cung sụt giảm tại Trung Quốc, Mỹ, Pakistan và châu Âu.

Như vậy, tổng nguồn cung toàn cầu (sản xuất + tồn kho) sẽ vào khoảng 693,3 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, giảm 9,3 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Ở chiều ngược lại, tiêu thụ gạo thế giới được dự báo đạt kỷ lục 520 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, tăng 2,8 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 770.000 tấn so với niên vụ 2021-2022. Tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm 10,1 triệu tấn so với vụ trước xuống còn 173,3 triệu tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

USDA cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm dương lịch 2023 ở mức 54,9 triệu tấn, tăng 850.000 tấn so với dự báo tháng trước song giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2022. 

Nguồn cung gạo toàn cầu suy giảm trong khi sản xuất ngũ cốc tại châu Á dự báo đối mặt với thời tiết khô nóng, khi các nhà khí tượng thủy văn nhận định hình thái thời tiết El Nino sẽ xuất hiện trong nửa cuối năm 2023, đe dọa nguồn cung và làm tăng rủi ro lạm phát giá thực phẩm.

Do đó, nhiều quốc gia đang có kế hoạch tăng cường kho dự trữ quốc gia, đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê

Nguồn: USDA.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. 

Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, tình hình thu mua gạo dự trữ trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn mặc dù nước này đang ở vụ thu hoạch chính. Vì vậy, Indonesia phải chuyển kế hoạch từ thu mua nội địa sang nhập khẩu gạo để đảm bảo kho dự trữ.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng lo ngại hiện tượng EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào từ tháng 5-7/2023 vì vậy có khả năng sẽ ảnh hưởng tới diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7 và tháng 8/2023.

Cũng theo Thương vụ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình.

Trong 2 tháng đầu năm nay, Indonesia đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philipines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đạt 143.786 tấn, tăng đột biến 338 lần so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Một trong những thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang quay trở lại nhập khẩu gạo nhiều hơn sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu gạo của nước này trong 2 tháng đầu năm đạt 610.000 tấn, giảm 46% (520.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan… nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ hai về cung cấp gạo cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 117.000 tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ.

Còn với thị trường Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, USDA dự báo ​​nhập khẩu gạo của của nước này trong năm nay sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn nhằm bù đắp cho sự sụt giảm về sản lượng và tiêu thụ tăng cao.

USDA cho biết sản lượng gạo của Philippines trong năm 2023 được dự báo ở mức 12,4 triệu tấn, giảm hơn 129.000 tấn so với năm ngoái. Trong khi tiêu thụ gạo của nước này dự kiến tăng lên mức kỷ lục 15,7 triệu tấn từ mức 15,4 triệu tấn của năm ngoái.

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023, vừa qua, NHNN đã có Văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.