Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam được xem là nơi để tìm ra giải pháp cho những vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thịt lợn.
Sáng ngày 20/10, tại Hà Nội, Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn. Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của đại diện tham tán nông nghiệp của một số nước là thị trường chính mà ngành sản xuất và chế biến thịt lợn đang hướng tới, cùng với các doanh nghiệp có thế mạnh và các Bộ, ngành liên quan. Diễn đàn được xem là nơi để tìm ra giải pháp cho những vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thịt lợn ở nước ta.
Theo báo cáo tại diễn đàn cho thấy, cả nước đang có 29 triệu con lợn với sản lượng khoảng 2,2 triệu tấn thịt lợn mỗi năm. Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, việc sản xuất dư thừa thịt lợn sẽ khó tránh khỏi trong thời gian tới. Vì vậy, cần nhanh chóng xúc tiến xuất khẩu thịt lợn.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có 8 cơ sở xuất khẩu sản phẩm thịt lợn đông lạnh sang thị trường các nước, tất cả đều là xuất khẩu lợn sữa hoặc lợn choai. Số còn lại là các sản phẩm chế biến từ thịt như ruốc và giò chả.
Về xuất khẩu thịt lợn tươi sống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kiểm soát an toàn dịch bệnh. Hiện nay, tất cả các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu thịt lợn phải có nguồn gốc từ các quốc gia hoặc vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng được Tổ chức Thú y thế giới OIE công nhận. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa được OIE công nhận đã sạch bệnh lở mồm long móng, nên chúng ta chưa đủ điều kiện để xuất khẩu.
Như với thị trường Trung Quốc, từ đầu năm 2012 Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu các loại gia súc và thịt gia súc của Việt Nam do lo ngại dịch lở mồm long móng. Và từ đó cho đến nay, mặc cho những nỗ lực đàm phán từ phía Việt Nam, mặt hàng lợn sống và thịt lợn của nước ta không nằm trong danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cho biết, họ đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác nhập khẩu, có những đơn hàng lên tới hàng nghìn tấn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là làm thế nào, các bên có những cam kết nhập khẩu từ phía các chính phủ, để mở rộng thị trường xuất khẩu và có một tiêu chuẩn chung về dịch bệnh cũng như chất lượng sản phẩm.
Cũng tại diễn đàn ngày hôm nay, nhiều kinh nghiệm quốc tế đã được chia sẻ trong vấn đề kiểm soát và hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng của một số nước trong khu vực có điều kiện tương đồng như Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là mô hình của Philippines.