Ðiều trị bệnh Salmonella ở gà đẻ
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính khiến gà mắc bệnh thương hàn là do vi khuẩn Salmonella gallinarum và Salmonella pullorum gây ra. Vi khuẩn này được tìm thấy trong cả động vật máu lạnh và động vật máu nóng, thậm chí chúng có cả trong môi trường. Trong thiên nhiên, gà, gà tây, gà sao mẫn cảm với bệnh, các loài thủy cầm hay các loài chim hoang đều có thể mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh.
Bệnh Salmonella (còn gọi là thương hàn ở gà trưởng thành và bạch lỵ ở gà) do vi khuẩn Salmonella tồn tại trong môi trường chăn nuôi và có sẵn trong một số cá thể gà mang bệnh từ trước lây lan gây ra.
Bệnh thương hàn gà lây theo 2 đường chính là lây lan gián tiếp do gà mang bệnh bài thải ra ngoài môi trường vào thức ăn, nước uống, chất độn chuồng rồi lây lan cho gà khỏe và lây trực tiếp qua trứng. Lây trực tiếp qua trứng là con đường nguy hiểm nhất vì khó tổ chức phòng bệnh.
Ở gà lớn, mầm bệnh có trong buồng trứng, dịch hoàn, các cơ quan có biểu hiện bệnh tích. Hậu quả của bệnh này là nếu nhẹ thì khiến gà giảm khả năng sinh sản, đẻ ra trứng dị dạng, khó tiêu thụ, nếu nặng thì có thể khiến gà chết.
Biểu hiện
Bệnh Salmonella có những biểu hiện khác nhau ở từng độ tuổi của gà, khi xảy ra ở gà đẻ trưởng thành thường khó phát hiện hơn.
Biểu hiện bên ngoài: Gà mái mang bệnh Salmonella có biểu hiện lâm sàng là ủ rũ, ít vận động, xù lông, mào tái, kèm theo chứng tiêu chảy làm phân bết dính quanh khu vực hậu môn rất bẩn.
Đẻ trứng: Quả trứng bình thường có kích thước trung bình, vỏ trơn bóng, màu sắc đồng đều, có 1 đầu tròn và 1 đầu hơi thon nhọn. Khi gà mái nhiễm Salmonella thì đẻ trứng dị dạng như trứng quá dài, đầu nhọn, gân co thắt ở giữa hoặc trứng nổi nhiều gân dọc, sần sùi, màu sẫm có thể kèm theo máu… Gà bắt đầu có biểu hiện giảm đẻ cũng có thể là do bệnh Salmonella gây nên.
Mổ khám
Khi tiến hành mổ khám nội tạng bên trong có thể quan sát được các hiện tượng như: Gan bị hủy hoại nghiêm trọng, mềm nát, xung huyết; buồng trứng thoái hóa, biến dạng thường kèm theo hiện tượng vỡ trứng non làm viêm khoang bụng; thận hư tổn, đỏ và xung huyết; tích nước ở khoang bụng. Gà mái đẻ trứng: Ống dẫn trứng và buồng trứng bị viêm; nang trứng méo mó dị hình.
Chẩn đoán
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng: Viêm ruột tiêu chảy, đẻ trứng non, dễ vỡ.
- Phân lập vi khuẩn và nuôi cấy từ mẫu bệnh phẩm.
- Các phản ứng ngưng kết (HA, AGID).
- Phản ứng miễn dịch huỳnh quang gián tiếp.
- Sử dụng phương pháp PCR với máy POCKIT iiPCR chẩn đoán trong vòng 1 - 2 giờ để thu được kết quả chính xác nhất.
Phòng bệnh
Khi thấy các biểu hiện trên cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra đàn gà để kịp thời phát hiện bệnh và có các biện pháp phòng tránh cũng như điều trị thích hợp.
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi bằng dung dịch phun sát trùng thường xuyên; phun xử lý phân gà để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và ngăn nguy cơ lây lan. Muốn phòng bệnh đạt kết quả tốt thì phải bắt đầu từ khâu ấp trứng, trứng ấp phải được nhập từ những cơ sở không có bệnh. Khi phát hiện bệnh phải cách ly con ốm, về nguyên tắc phải tiêu diệt toàn đàn. Xử lý phân gà, rác chất độn chuồng. Sát trùng chuồng trại, chú ý đến mật độ nuôi hợp lý. Dùng formol để xông lò ấp trứng để tiêu diệt mầm bệnh. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh máng ăn, máng nước, bổ sung các nguyên tố vi lượng, vitamin để tăng sức đề kháng cho gà.
Ðiều trị
Khi gà mắc bệnh thương hàn, công tác điều trị thường ít mang lại hiệu quả, việc điều trị chỉ có ý nghĩa làm giảm tổn thất kinh tế. Trộn Tetracylin hoặc Oxytetracyclin vào thức ăn, trộn 1 - 2 g với 10 kg thức ăn, cho ăn 5 - 7 ngày Streptomycin: Tiêm bắp hoặc dưới da liều 50 - l00 mg/kg thể trọng.
Hòa dung dịch B - Complex vào nước cho uống 50 ml pha với 3 lít nước cho 100 gà uống.
Ngoài việc sử dụng thuốc trị bệnh thương hàn gà, người nuôi cần bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất để tăng cường sức khỏe cho gà nuôi.