3 'trụ cột' tối ưu hóa chăn nuôi heo, gia cầm
Tương tác giữa dinh dưỡng, hệ vi sinh đường ruột và chức năng của hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và hiệu suất của gia cầm và heo. Để kích hoạt các trụ cột này cùng lúc, cần xem xét lại các chiến lược dinh dưỡng và chăn nuôi.
Theo Tiến sĩ Arno de Kreij, Giám đốc marketing khu vực châu Á Thái Bình Dương, công ty Danisco Animal Nutrition & Health/IFF, dinh dưỡng và sức khỏe không phải hai vấn đề độc lập bởi dinh dưỡng, chức năng miễn dịch và hệ vi sinh là 3 trụ cột tương tác cùng nhau để hỗ trợ vật nuôi phát triển. Tại hội thảo Chiến lược dinh dưỡng chăn nuôi VIV 2023 ở Bangkok,Thái Lan, Kreij khẳng định, đã đến lúc kết hợp ba trụ cột để tối ưu hiệu suất chăn nuôi gia cầm và heo, đặc biệt khi nhiều trại heo và gia cầm trên thế giới đang phải đối mặt thách thức chi phí thức ăn và áp lực giảm thải carbon.
Bộ đôi enzyme và probiotic
Bổ sung enzyme vào thức ăn chứa thành phần khó tiêu giúp tăng năng lượng, axit amin và chất khoáng cho vật nuôi. Kreij cho biết, khi cải thiện hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng, hệ vi sinh cũng không còn quá tải mà duy trì trạng thái cân bằng hơn, từ đó, cải thiện năng suất chăn nuôi. “Thực tế, các phụ gia thức ăn tương tác với nhau. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng hiệp đồng giữa probiotic và enzyme”, Kreij nói.
Nhìn vào thành phần hệ vi sinh đường ruột, sẽ thấy rõ hiệu lực hiệp đồng khi kết hợp đúng enzyme và probiotic, theo Kreij. Ông trích dẫn các nghiên cứu bổ sung enzyme cùng probiotic lactobacillus đã khôi phục cân bằng hệ vi sinh sau khi thử thách với vi khuẩn gây hại như Clostridium perfringens. Ngoài ra, bộ đôi enzyme và probiotic cũng tác động tích cực đến tính toàn vẹn của đường ruột; đồng thời làm tăng khả năng tiêu hóa hóa thức ăn, tối ưu hóa thành phần vi sinh và cải thiện sức khỏe cho gia cầm và heo.
Hệ vi sinh và hiệu suất chăn nuôi
Tiến sĩ Enrique Montiel, Giám đốc dinh dưỡng tại công ty Anitox cho biết, bộ máy tiêu hóa của gà con mới nở rất non nớt và quần thể vi sinh đường ruột gần như không tồn tại mà dần hình thành từ nước hoặc môi trường khi gà con lớn lên.
Trong tự nhiên, tiếp xúc với phân gà mẹ sẽ giúp hình thành hệ vi sinh vật khỏe mạnh ở gà con. Trong các hệ thống chăn nuôi hiện đại, môi trường của gia cầm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quần thể vi khuẩn đường ruột. Một phần của môi trường chính là nguồn thức ăn cung cấp cho gà con. Theo Enrique Montiel, thức ăn là thành phần tác động mạnh nhất đến quần thể vi sinh và sức khỏe đường ruột.
Montiel cho biết thêm, hệ vi sinh đóng vai trò chuyển hóa hóa chất dinh dưỡng và tác động trực tiếp đến cấu trúc cũng như sức khỏe biểu mô ruột. Một số vi khuẩn trong hệ vi sinh có thể loại trừ hoặc chiếm chỗ các vi khuẩn gây hại khác. Một phần quan trọng của hệ miễn dịch nằm ở ruột, vì vậy sức khỏe đường ruột liên quan trực tiếp đến khả năng miễn dịch.
Vi khuẩn gây hại như Clostridium perfringens có thể sinh ra hợp chất độc hại gây viêm và dịch bệnh tiềm ẩn ở gia cầm. Các enzyme và probiotic có thể được sử dụng để thiết lập hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh và chống lại xâm chiếm của vi khuẩn gây hại Clostridia.
Chất khử trùng thức ăn giảm mầm bệnh
Montiel cho biết, việc sử dụng chất khử trùng thức ăn cũng là một giải pháp giảm vi khuẩn gây hại và mầm bệnh như Salmonella cho vật nuôi. Quá trình xử lý nhiệt trong sản xuất thức ăn viên sẽ tiêu diệt hầu hết vi khuẩn gây hại, nhưng thức ăn có thể tái nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, hoặc trong khay thức ăn tại chuồng gia cầm.
Chất khử trùng thức ăn gián tiếp tác động có lợi đến gia cầm, bởi làm giảm lượng vi khuẩn trong thức ăn, từ đó góp phần cân bằng quần thể hệ vi sinh đường ruột khi gia cầm tiếp nhận nguồn thức ăn đó. Theo Montiel, có thể sử dụng chất khử trùng ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất thức ăn.
Nhiều chất khử trùng thức ăn chứa formaldehyde, nhưng chất này sẽ bị phân hủy thành axit formic và cuối cùng là carbon dioxide và nước trong vòng 60 – 90 giây sau khi gia cầm ăn thức ăn và không để lại dư lượng trong thịt hoặc trứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thức ăn khử trùng bằng sản phẩm gốc dehyde tác động tích cực đến hiệu suất chăn nuôi và sức khỏe của gia cầm. Khi được thử thách với vi khuẩn gây bệnh viêm ruột hoại tử, nhóm gà sử dụng thức ăn khử trùng luôn tăng trọng và chuyển hóa thức ăn tốt hơn ; đồng thời tỷ lệ thải loại cũng thấp hơn (dưới 4% so với 8% ở nhóm gia cầm đối chứng). Hầu hết các quốc gia đều cho phép sử dụng chất khử trùng gốc formaldehyde, trừ châu Âu.