5 động lực tăng trưởng ngành gia cầm Nam Á và Đông Nam Á
Dự kiến 50% tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm toàn khu vực châu Á tính đến cuối thập kỷ này sẽ do Nam Á và Đông Nam Á thúc đẩy. Đến năm 2030, con số này dự kiến tăng thêm 30%. Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của châu Á dự kiến tăng 13 triệu tấn từ năm 2023 đến năm 2030, trong đó Đông Nam Á chiếm 3,3 triệu tấn và Nam Á 3,2 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nhờ vào các động lực chính, gồm nền kinh tế mở rộng mạnh mẽ, dân số và thu nhập tăng, cũng như sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm protein động vật. Bức tranh toàn cảnh ngành gia cầm châu Á đang tiến triển tích cực, tương phản với kết quả hoạt động yếu kém trong những năm đầu thập kỷ.
Nền kinh tế mở
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế của 11 quốc gia ASEAN sẽ tăng trưởng 4,5% hàng năm trong giai đoạn 2024 – 2028. Cùng đó, Rabobank cũng đưa ra mức dự báo lạm phát giá tiêu dùng khu vực này sẽ duy trì mức 2,3% trong Báo cáo nắm bắt cơ hội đầu tư vào Chuỗi cung ứng gia cầm châu Á. Nhờ sự tăng trưởng này, sức mua của người dân sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu thụ protein động vật tăng cao.
Dân số tăng
Nam Á và Đông Nam Á dự kiến thúc đẩy 45% mức tăng trưởng dân số giai đoạn 2022 – 2030, theo dự báo của Ủy ban dân số Liên hợp quốc. Ba phần tư mức tăng trưởng này dự kiến rơi vào Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh; tuy nhiên, tốc độ sẽ ở mức thấp hơn so với con số ghi nhận trong những năm 2010.
Thị trường Nam Á và Đông Nam Á ngày càng “trẻ hóa” với số lượng người tiêu dùng thế hệ Y (sinh năm 1981 đến 1996) nhiều hơn so với châu Âu và Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc đang dẫn đầu với hơn 400 triệu người tiêu dùng thế hệ Y. Nhóm người tiêu dùng này có sở thích khác với thế hệ lớn tuổi hơn, ví dụ, đề cao thương hiệu, chú trọng an toàn thực phẩm, sức khỏe, chất lượng, phúc lợi động vật.
Thay đổi thị hiếu
Thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi cùng với sở thích ăn uống. Theo thống kê toàn châu Á, khoảng 50% tổng lượng tiêu thụ protein động vật là thủy sản, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm 25%. Tuy nhiên, những con số này đang thay đổi và thịt gia cầm dần chiếm thị phần từ thủy sản. Thịt heo vẫn là thực phẩm protein động vật được ưa chuộng ở một số khu vực, nhưng ngành chăn nuôi heo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dịch bệnh khiến người tiêu dùng “quay lưng” và chuyển sang thịt gia cầm nhiều hơn.
Nền kinh tế châu Á đang trên đà phục hồi, dân số tăng và thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi sẽ là những yếu tố chính mang lại lợi ích cho ngành chăn nuôi gia cầm địa phương. Nhiều quốc gia trong khu vực đều đặt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực lên hàng đầu, ưu tiên hàng nội địa hơn nhập khẩu. Hiện chỉ có 4 nước nhập khẩu nhiều gồm Philippines, Việt Nam, Pakistan và Singapore; trong khi các nước còn lại hạn chế hoặc không cần nhập khẩu. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm ngày càng tăng tại Nam Á và Đông Nam Á sẽ được đáp ứng chủ yếu bởi các nhà cung cấp địa phương.
Ngành gia cầm địa phương phục hồi
Trong những năm trước COVID-19, ngành chăn nuôi gia cầm của khu vực đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng tới 6% hàng năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Tuy nhiên, đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào ngành chăn nuôi gia cầm địa phương.
Các kênh bán hàng truyền thống như chợ và dịch vụ thực phẩm bị ảnh hưởng doanh số nặng nề trong những năm đại dịch 2019 và 2020. Cùng đó, tốc độ tăng trưởng của ngành gia cầm trì trệ ở mức dưới 0,5%. Kể từ đó, tăng trưởng của ngành chưa phục hồi về mức trước đại dịch nhưng vẫn ghi nhận tốc độ trung bình hàng năm 2 – 4%. Sự phục hồi này diễn ra mạnh nhất ở Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, trong khi Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn hơn.
Điều kiện thị trường thuận lợi
Rabobank cho rằng điều kiện thị trường thuận lợi đang mang lại những thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp gia cầm của Nam Á và Đông Nam Á. Theo báo cáo của Rabobank, hai khu vực này không chỉ tăng tiêu thụ gia cầm mà còn có xu hướng quan tâm hơn đối với các sản phẩm gia cầm có thương hiệu và giá trị gia tăng. Thực tế, toàn ngành gia cầm và kênh phân phối của khu vực trên đều đang được hiện đại hóa.
Sức mua ngày càng tăng, đặc biệt ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình. Đáng nói, lượng mua hàng từ các thị trường truyền thống ngày càng ít đi, thay vào đó, người tiêu dùng chuyển sang kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ giao hàng tận nhà và nhà hàng.
Khi các kênh bán hàng và kênh phối hiện đại phát triển, nhiều nhà sản xuất quy mô nhỏ sẽ tự động rời thị trường, hoặc bị các cơ sở lớn hơn thâu tóm. Xu hướng này đã diễn ra ở một số quốc gia trong khu vực, thúc đẩy làn sóng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sản xuất gia cầm.
Số lượng gia cầm trung bình được giết mổ ở châu Á vẫn nhỏ hơn so với các thị trường khác, nhưng con số này cũng đang tăng dần. Do nhu cầu tiêu thị gia cầm hơi tại chợ giảm, người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm đã sơ chế, thúc đẩy các hãng chế biến mở rộng nguồn cung nguyên liệu sang các loại gia cầm cỡ lớn hơn.