8 sự kiện ngành chăn nuôi thế giới 2023
1. Đột phá vaccine ASF
Tháng 12/2023, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã thiết kế thành công một loại vaccine sống giảm độc lực, góp phần mở rộng thêm kiến thức về chức năng gen, sự suy giảm độc lực của virus ASF và khả năng chống lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm và chưa được thương mại hóa. Trước đó, tháng 7/2023, Việt Nam phê duyệt sử dụng thương mại vaccine ASF đầu tiên trên thế giới. Các vaccine bao gồm NAVET-ASFVAC, do Thú y Navetco Trung ương và các nhà khoa học từ Mỹ đồng phát triển, và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam phát triển. Hiện, Mỹ và Australia cũng đang hợp tác phát triển thêm các loại vaccine ASF. Trong tháng 5/2023, Philippines báo cáo việc thử nghiệm vaccine ASF cho kết quả khả quan và đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
2. Mexico chặn nhập khẩu thịt heo Brazil
Tháng 12/2023, Mexico cấm nhập khẩu thịt heo từ Brazil, bất chấp thỏa thuận giữa cơ quan y tế của cả hai nước đã ký kết vào tháng 2/2023. Theo Hiệp hội Protein động vật Brazil (ABPA), Tòa án Mexico, sau sự phản đối của các nhà sản xuất địa phương, đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt heo từ Brazil. Theo Hiệp hội Chăn nuôi heo Mexico (Opomex), chính sách mở cửa với thịt heo Brazil đã ảnh hưởng đến thị trường nội địa vì 45% nguồn cung thịt heo của Mexico đến từ nhập khẩu. Thị trường Mexico đã chính thức mở cửa từ tháng 2/2023 với 7 nhà máy Brazil được cấp phép, những lô hàng đầu tiên đã được thực hiện vào tháng này. Như vậy, tính đến tháng 10, 23.000 tấn đã được xuất khẩu, đưa Mexico trở thành thị trường xuất khẩu thịt heo thứ 11 của Brazil. Năm 2022, Mexico là nước nhập khẩu thịt heo lớn thứ 3 thế giới với 1,2 triệu tấn, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
3. Trung Quốc bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo Nga
Tháng 10/2023, Trung Quốc đồng ý cho phép nhập khẩu thịt heo từ Nga sau 15 năm tạm dừng, với đợt giao hàng đầu tiên dự kiến vào giữa năm 2024. Theo Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor), các hạn chế về nhập khẩu thịt heo Nga ban đầu được áp dụng vào năm 2008 sau khi bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF). Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), quyết định này được đưa ra sau khi Trung Quốc kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống kiểm soát ASF của Nga. Theo quy định mới, thịt heo sẽ được phép nhập khẩu từ các khu vực của Nga đã chứng minh là không có virus tả heo châu Phi. Rosselkhoznadzor lưu ý rằng, các giới chức hải quan Trung Quốc sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch đối với nguồn cung thịt heo của Nga trong những tháng tới. Nếu thành công tiến vào thị trường Trung Quốc, tổng khối lượng xuất khẩu thịt heo của Nga sẽ tăng lên 400.000 – 500.000 tấn trong năm 2024.
4. Hộ nuôi gia súc ở Canada chạy đua với hạn hán
Hạn hán ở các vùng thảo nguyên Canada kéo dài suốt năm 2023 đã làm giảm nguồn cung thức ăn chăn nuôi, buộc người nuôi bò tại đây phải chật vật tìm kiếm thức ăn thay thế, thậm chí cân nhắc giảm đàn. Hai tỉnh sản xuất thịt bò lớn nhất Canada là Alberta và Saskatchewan, lần lượt chiếm 49% và 29% tổng đàn bò cả nước, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng hạn hán. Nhiều vùng ở Alberta khô hạn nghiêm trọng, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cỏ khô. Ước tính năng suất cỏ khô đợt thu hoạch đầu tiên tại Alberta đạt 0,9 tấn/ha, giảm hơn 40% so với mức trung bình 10 năm. Các trại nuôi bò thịt tại hai tỉnh này phải sử dụng thức ăn thay thế như phụ phẩm cải canola, ngô, lúa mạch, DDGS và nhiều loại ngũ cốc khác.
5. Lợi nhuận chăn nuôi heo của Ukraine tăng 200%
Bất chấp tình trạng xung đột đang diễn ra, hoạt động chăn nuôi heo ở Ukraine vẫn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận 200% trong năm 2023. Nikolay Babenko, đại diện Hiệp hội Sản xuất thịt tại Ukraine cho biết, lợi nhuận kỷ lục có thể thu hút nhà đầu tư mới vào lĩnh vực này và trong dài hạn, việc thành lập các trang trại nuôi heo có thể là một lối thoát cho nền nông nghiệp Ukraine vốn đang gặp khó khăn về xuất khẩu ngũ cốc. Năm 2022, giá thịt heo toàn cầu tăng gấp đôi và xu hướng này cũng ảnh hưởng đến thị trường thịt heo của Ukraine. Hiện, giá heo hơi tại trang trại đạt 2,34 USD/kg trong khi chi phí sản xuất chỉ 0,55 USD/kg. Ukraine hiện chỉ sản xuất 0,5 triệu tấn thịt heo, và có khả tăng lên gần gấp 4 lần mức này để xuất khẩu sang các thị trường châu Phi và châu Á. Danh sách các nước ưu tiên hàng đầu gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Nam Phi.
6. Giá thịt heo lập đáy mới, Trung Quốc tăng dự trữ
Tháng 11/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã mua bổ sung thịt heo vào kho dự trữ để kéo giá lên cao. Đây là đợt mua dự trữ thịt heo thứ 3 trong năm. Động thái này được công bố sau khi các số liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy giá heo có xu hướng giảm. Giá thịt heo tại Trung Quốc năm 2023 chịu sức ép do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu suy yếu. Hàng triệu nông dân nuôi heo không có lãi. Tiêu thụ thịt heo vào cuối năm cũng không tăng như kỳ vọng, thậm chí yếu hơn mức dự báo. Giá thịt heo giảm cũng liên quan mật thiết đến việc Trung Quốc rơi vào giảm phát. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2023 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá thịt tháng 10 giảm 17,9%, chủ yếu do giá thịt heo giảm 30,1%.
7. Khủng hoảng trứng gia cầm
Đầu năm 2023, giá 10 quả trứng tại Mỹ đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022, đắt hơn giá thịt gà hoặc gà tây, khiến trứng trở thành mặt hàng mới được buôn lậu qua biên giới Mexico. Các chuỗi siêu thị như Carrefour và PX Mart phải hạn chế số lượng trứng khách hàng có thể mua để tránh tình trạng tích trữ hoặc mua sắm hoảng loạn. Tại Nhật Bản, giá trứng tăng kỷ lục khi dịch cúm gia cầm lây lan nhanh. Hungary cũng đưa trứng vào danh mục thực phẩm thiết yếu để áp giá trần, khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Đầu tháng 3/2023, Hiệp hội Thương mại trứng thành phố Đài Bắc, Đài Loan đã ra thông báo tăng giá bán buôn trứng thêm 3 Đài tệ/cân Đài (tức 600 gram) đưa giá trứng tăng từ 52 Đài tệ (1,7 USD) lên mức 55 Đài tệ/cân Đài. Tại Anh, tình trạng thiếu hụt trứng tiếp tục kéo dài từ năm 2022 và càng nghiêm trọng hơn vào năm 2023 buộc nhiều siêu thị phải lên kế hoạch nhập khẩu.
8. Gà kháng cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới
Các nhà khoa học tại Anh đã tạo ra những con gà kháng cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới sau khi biến đổi gene ANP32 để tạo ra protein mà virus cúm sử dụng để tự sao chép. Đây chính là công nghệ biến đổi gen CRISPR có khả năng tạo ra các thay đổi nhỏ ở gene ANP32A. Khi gà biến đổi gene được tiêm 1.000 đơn vị virus lây nhiễm, tương đương liều lượng tiếp xúc thực tế, chỉ có 1/10 con gà bị nhiễm bệnh và giải phóng lượng virus rất thấp trong vài ngày. Các nhà khoa học kỳ vọng nghiên cứu sẽ mở đường cho các trại nuôi gia cầm biến đổi gen ở Anh. Theo họ, tiêm vaccine tốn kém và có hiệu quả hạn chế do khả năng tiến hóa nhanh của virus cúm. Các biện pháp an ninh sinh học chặt chẽ hơn như nuôi nhốt gà trong nhà ảnh hưởng tới phúc lợi động vật. Ngược lại, biến đổi gene có thể giúp kháng bệnh vĩnh viễn sang thế hệ sau, giảm nguy cơ đối với con người và chim hoang dã.