Ấn Độ dự trữ đủ ngũ cốc và có thể bán lúa mì trên thị trường mở
Lạm phát thực phẩm tại Ấn Độ, chiếm gần 40% chỉ số giá tiêu dùng, chạm mức 8,60% trong tháng 9/2022 tăng so với 7,62% của tháng 8/2022. Giá thực phẩm bán lẻ tăng do giá ngũ cốc và rau tăng.
Nhiệt độ tăng đột ngột vào giữa tháng 3/2022 ảnh hưởng đến mùa vụ lúa mì. Ấn Độ – nước sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai thế giới đã cấm bán mặt hàng chủ lực ra nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung cho 1,4 tỷ dân của mình.
Xuất khẩu lúa mì từ Ấn Độ – nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai thế giới tăng mạnh sau khi cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung từ khu vực Biển Đen, dẫn đến việc giá toàn cầu tăng vọt.
Sau lệnh cấm bán lúa mì ra nước ngoài, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo do lượng mưa ở miền Đông đất nước không đủ khiến việc trồng trọt bị ảnh hưởng.
Dự trữ lúa mì và gạo tại các kho nhà nước Ấn Độ lần lượt dự kiến ở mức 11,3 triệu tấn và 23,7 triệu tấn vào đầu năm tài chính tiếp theo (từ ngày 01/4/2023). Chính phủ đặt mục tiêu dự trữ ít nhất 4,5 triệu tấn lúa mì và 11,5 triệu tấn gạo để thực hiện chương trình phúc lợi lương thực lớn nhất thế giới và đáp ứng mọi nhu cầu khẩn cấp.
Sản lượng dầu cọ toàn cầu dự kiến tăng, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ giảm
Theo Oil World, giá dầu thực vật có nhiều biến động trong năm 2022. Tình huống này có thể xảy ra một lần nữa vào năm 2024 nếu sản lượng không tăng và các chính sách về diesel sinh học không được đưa ra với sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Sản lượng dầu cọ trong năm 2022 dự kiến là 78,3 triệu tấn, đáng chú ý là sản lượng đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Ngoài ra, ước tính sản lượng đậu tương toàn cầu trong niên vụ 2022/23 sẽ tăng 34 triệu tấn lên 390 triệu tấn.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thực vật (dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hướng dương) lớn nhất thế giới. Nhập khẩu dầu cọ của nước này trong niên vụ 2021/22 đã giảm 4,8% so với vụ trước do nhập khẩu dầu đậu tương ở nước ngoài tăng 45,3% lên mức cao kỷ lục, sau khi Indonesia áp đặt các hạn chế xuất khẩu dầu cọ.
Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) cho biết, nhập khẩu dầu cọ trong niên vụ 2021/22 (kết thúc ngày 31/10/2022) đã giảm xuống 7,9 triệu tấn từ mức 8,3 triệu tấn một năm trước.
Trong nửa đầu năm 2022, nhà xuất khẩu dầu cọ hàng đầu Indonesia đã áp đặt nhiều hạn chế đối với xuất khẩu mặt hàng này nhằm hạ giá thành trong nước. Tuy nhiên việc này khiến xuất khẩu dầu cọ của Indonesia giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm dẫn đến tồn kho cao tới hơn 8,5 triệu tấn.
Indonesia và Malaysia là những nhà cung cấp dầu cọ lớn cho Ấn Độ. Trên thực tế, hai nước này muốn xuất khẩu nhiều hơn. Theo SEA, những hạn chế từ Indonesia khiến dầu cọ trở nên đắt ngang với dầu đậu tương và dầu hướng dương, khiến các nhà máy lọc dầu Ấn Độ giảm nhập khẩu loại dầu thực vật này.
Dầu cọ thường được giao dịch ở mức khoảng 200 USD/tấn so với dầu đậu tương và dầu hướng dương.
Nhập khẩu dầu đậu tương trong niên vụ 2021/22 đã tăng lên mức kỷ lục 4,17 triệu tấn khi Ấn Độ cố gắng đảm bảo các lựa chọn thay thế cho dầu cọ.
Cùng với nhà cung cấp dầu đậu tương chính là Achentina và Brazil, Mỹ và Nga cũng cung cấp loại dầu thực vật này cho Ấn Độ.
Niên vụ 2021/22, Ấn Độ đã chi kỷ lục 1,57 nghìn tỷ Rupee cho việc nhập khẩu dầu ăn, tăng 34% so với niên vụ trước. Nhập khẩu dầu hướng dương cũng tăng 2,7% lên mức 1,94 triệu tấn do New Delhi tăng mua từ Achentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania ngay cả khi nguồn cung từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn.