Áp dụng triệt để công nghệ 4.0 trong quản lý an toàn thực phẩm

Áp dụng triệt để công nghệ 4.0 trong quản lý an toàn thực phẩm

Do yêu cầu từ thực tiễn, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải áp dụng triệt để công nghệ 4.0 trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).

Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra ngày 15/1 tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu làm tốt công tác ATTP, tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ con người Việt Nam tương lai sẽ không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại Bắc Ninh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với thành tích xuất khẩu nông sản đạt trên 41 tỷ USD năm 2020 đã phần nào khẳng định được Việt Nam đã làm rất tốt công tác quản lý ATTP.

Tuy nhiên, các cấp ngành, địa phương, các cơ quan báo, đài cần phải tuyên truyền thật sâu đậm làm sao để người dân và doanh nghiệp phải luôn xác định rằng, đã sản xuất thực phẩm là phải an toàn và tiến tới là phải truy xuất được nguồn gốc, nhất là đối với những mặt hàng xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thách thức với công tác quản lý ATTP trong thời gian tới chính là xu hướng cắt giảm chi thường xuyên là tất yếu, trong khi khối lượng công việc ngày một nhiều hơn nên các đơn vị không thể đòi hỏi phải có thêm biên chế, lao động để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cần áp dụng triệt để khoa học, công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý ATTP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị.

“Tôi đi thăm nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp tại Mỹ, cả nhà máy của họ chỉ có mỗi ông bảo vệ, còn lại toàn bộ là máy móc tự động, ở ta cũng phải đi theo xu thế đó. Thực tế hiện nay chúng ta đã và đang có những doanh nghiệp, nhà máy chế biến nông sản hiện đại hàng đầu thế giới cũng như đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu vào mọi quốc gia.

Do đó, khoa học công nghệ chính là yếu tố đóng góp rất lớn trong việc nâng cao năng suất chất lượng và cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong tương lai và khoa học, công nghệ cũng là nền tảng chính để quản lý ATTP", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, muốn quản lý tốt ATTP trước tiên phải quản lý tốt được dịch bệnh trên gia súc gia cầm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên gia súc gia cầm, cây trồng vật nuôi rất phức tạp hiện nay yêu cầu các địa phương, cấp ngành không được lơ là, chủ quan.

Đặc biệt, các tỉnh khu vực biên giới phải cường quản lý ATTP liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng tươi sống, đông lạnh. Cần tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên theo chuỗi, theo lĩnh vực được phân công quản lý.

Một nội dung quan trọng khác Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị lưu tâm trong thời gian tới thực trạng kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Các hoạt động của ngành nông nghiệp trong thời gian tới cần phải lồng ghép chặt chẽ tới nội dung này bởi đây là vấn đề được FAO và WHO cảnh báo thường xuyên trong thời gian gần đây.

Ghi nhận kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong những năm qua khi hình thành và xây dựng được 1.644 chuỗi với hơn 2.300 sản phẩm, song Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các sản phẩm của những chuỗi trên về tổng thể còn rất ít so với quy mô sản xuất của ngành nông nghiệp, chưa kể phần lớn việc liên kết giữa các chuỗi này còn lỏng lẻo và đây thực sự là thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình cung ứng thực phẩm tết và vấn đề ATTP tại Tập đoàn Dabaco Việt Nam chiều 15/1.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong năm 2020 Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Kiểm soát chất lượng, ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Tính đến nay, cả nước đã có 430.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 6.000 doanh nghiệp được chứng nhận. Có 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 15.800ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Có 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và tương đương với sản lượng 608.000 tấn thịt và 315 triệu quả trứng.

Bộ NN-PTNT đã xây dựng và phát triển được 1644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên toàn quốc, tăng 130 chuỗi so với cuối năm 2019. Đặc biệt, đã có 786 chuỗi liên kết từ 21 tỉnh, thành cung ứng cho thành phố Hà Nội với đa dạng các loại sản phẩm và nhiều chuỗi có quy mô lớn. Lũy kế, đã có 2.088 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62%, trong đó các xã đều đạt tiêu chí đảm bảo ATTP.

Trong năm 2020, Bộ NN-PTNT cũng tiếp tục chỉ đạo duy trì các chương trình giám sát ATTP đối với các sản phẩm chủ lực để kịp thời phát hiện, cảnh báo và chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra 44.932 cơ sở, xử phạt hành chính 3.226 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng, ATTP (chiếm 7,1%), với số tiền phạt 31,14 tỷ đồng, qua đó đã cải thiện rõ nét an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98,3%, tăng 1,3% so với năm 2019. Cả nước có 162 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.690 cơ sở cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, giảm gần 5.000 cơ sở nhỏ lẻ so với năm 2015 là 29.000 cơ sở. Có 6.831/8.089 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có đăng ký kinh doanh được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (chiếm tỷ lệ 84,44%).