Bàn giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản
Ngày 6/12, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghịvề vấnđềbảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh
Theo báo cáo của Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, năm 2001, cả nước có 74.495 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 5.214.000 CV, sản lượng khai thác khoảng 1,3 triệu tấn. Năm 2017, số tàu cá khoảng 108.000 chiếc, tăng 1,47 lần so với năm 2001; tổng sản lượng khai thác cả nước 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,84 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 2,9 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng khoảng 3,69 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến 15/11/2018 ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2017.
Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho ngư dân, tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động trên biển và 4 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức như: khai thác tự phát chưa kiểm soát được; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp; việc khai thác, tiêu thụ một số loài nguy cấp, quý hiếm đã làm cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng, hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy…
Theo báo cáo, trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam khoảng 4,36 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,1 triệu tấn. So với trữ lượng và khả năng cho phép khai thác, sản lượng khai thác và cường lực khai thác ở vùng ven bờ đã vượt quá giới hạn, đặc biệt là nhóm hải sản tầng đáy. Hệ số khai thác một số loài chủ yếu ở các vùng biển khá lớn, đặc biệt là nhóm cá đáy; kích thước khai thác của một số loài có giá trị kinh tế ở hầu hết các vùng biển đều chưa đạt đến chiều dài thành thục sinh dục…
Do sức ép của gia tăng dân số, phát triển thủy điện, thủy lợi; xả thải từ các hoạt động kinh tế đã làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, mất đường di cư sinh sản và khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo báo cáo của Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, đến nay, khoảng 0,18% tổng diện tích vùng biển Việt Nam được khoanh vùng bảo vệ nhưng chưa đạt so với mục tiêu. Một số khu vực đã được xác định có tiềm năng bảo tồn để bổ sung vào hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam trong thời gian tới như Vịnh Hạ Long, Thổ Chu (Kiên Giang), Nhơn Hải (Bình Định), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)… Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc qua nào được phê duyệt, thành lập.
Tăng cường công tác tuyên truyền Luật biển năm 2017 đến ngư dân
Từ năm 2013 đến nay, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với một số địa phương triển khai hoạt động thả, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chủ yếu tập trung vào các đối tượng thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cá rầm xanh, anh vũ, chiên, bống, lăng, thát lát cườm, hô, bông lau, tôm sú, cua, ghẹ. Trong năm 2017 - 2018 có khoảng 77,7 tấn thủy sản, 76,79 triệu con giống thủy sản được thả vào các vùng biển, thủy vực tự nhiên, hồ chứa.
Năm 2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của Giáo hội Phật giáo 30 tỉnh, thành.
Sau hơn 20 năm tiếp cận và xây dựng các mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến nay đã có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình đồng quản lý trải dài trên 7 vùng sinh thái của cả nước với các mô hình đa dạng, phong phú.
Với sự hỗ trợ của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) cả nước đã hình thành được 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên 25 huyện với hơn 13.000 ngư dân tham gia...
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương triển khai nghiêm Luật Thủy sản năm 2017; tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình đồng quản lý; thực hiện bản ghi nhớ bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo các địa phương; kiểm tra, kiểm soát tình hình vi phạm trong khai thác và mạnh tay xử lý nghiêm để răn đe.