Bảo tồn nguồn gen gà tre
Thuần chủng đàn gà tre
Từ nhiệm vụ khoa học “Thuần chủng nguồn gen gà tre (Gallus sp) tỉnh Quảng Nam” được triển khai trong vòng 7 năm, ThS. Lương Thị Thủy và cộng sự đã điều tra và chọn lọc nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý hiếm gà tre có giá trị, góp phần bảo tồn nguồn gen quý trong hệ thống đa dạng sinh học nông nghiệp tỉnh. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng đàn gà tre tại 3 huyện Tiên Phước, Nông Sơn và Quế Sơn.
Thương hiệu gà tre xứ Quảng cần được bảo tồn và phát huy.
Qua đó chọn lọc, khôi phục và thuần chủng giống gà tre thông qua việc xây dựng mô hình từ nguồn giống trong dân nhằm thuần chủng nguồn gen quý. Xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng 15 mô hình nuôi tại 15 hộ thuộc 3 xã của huyện Nông Sơn và Quế Sơn.
Theo ThS. Lương Thị Thủy, các hộ được chọn tham gia mô hình đều được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi bảo tồn giống gà tre; xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống, hỗ trợ một phần vật tư và trang bị kiến thức, kỹ thuật nuôi cho nông hộ tại điểm nuôi gà tre thuần chủng, hỗ trợ kỹ thuật nhân giống, nhân đàn nuôi thương phẩm“ - ThS. Lương Thị Thủy nói.
Mô hình bảo tồn gà tre được triển khai tại 3 xã: Quế Hiệp (Quế Sơn), Quế Lộc và Quế Ninh (nay là xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn). Trong đó, Quế Hiệp triển khai tại 7 hộ, Nông Sơn 8 hộ.
Nhóm nghiên cứu đã nhân giống thuần chủng, ghép giữa con trống và con mái cùng giống để được đời con cùng giống với bố mẹ, nhằm giữ và hoàn thiện được các đặc tính tốt của giống. Nhóm cũng xây dựng 15 mô hình bảo tồn nguyên vị theo nguyên tắc vùng giống nhân dân.
Quá trình bảo tồn gen gà tre gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, thuần chủng qua chọn lọc từ quần thể vốn có trong cộng đồng để nuôi bảo tồn và giai đoạn 2 là thuần chủng tại các mô hình bảo tồn, nhân rộng để nuôi phát triển mô hình gà tre thuần chủng. Từ nguồn giống thuần chủng ở thế hệ con tại các mô hình bảo tồn, nhóm nghiên cứu hỗ trợ 300 con gà (1 tháng tuổi) cho các hộ nuôi phát triển.
Theo khảo sát tại các mô hình bảo tồn, mỗi hộ nuôi gà với số lượng 10 gà mái sinh sản, mỗi năm, mỗi hộ thu trung bình 700 trứng, mỗi năm nở 560 gà con (tỷ lệ nở 80%), nuôi đến thời điểm xuất chuồng 476 con gà thịt (tỷ lệ sống 85%).
Gà nuôi từ 5 - 6 tháng tuổi có khối lượng trung bình 1,2 - 1,4kg/con đối với con trống và 1 - 1,2 kg/con đối với con mái (trung bình 1,2 kg/con). Với giá bán dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dân có thể thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Chú trọng khâu nhân giống
Gà tre là loại gà đặc sản bản địa của xứ Quảng, trước kia được nuôi rải rác ở các huyện Tiên Phước, Quế Sơn và Nông Sơn. Gà có phẩm chất thịt thơm ngon, được du khách xa gần ưa chuộng.
Qua khảo sát, tổng đàn gà tre của 3 huyện Tiên Phước, Nông Sơn và Quế Sơn với khoảng 198.000/578.000 con, chiếm 34,26% tổng đàn. Tuy nhiên, gà tre đang bị lai tạp giống do các yếu tố kinh tế với mục tiêu cải thiện tầm vóc đàn gà bản địa và sự lai tạp tự do.
ThS. Lương Thị Thủy kiến nghị, cần có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để bảo tồn và phát triển giống gà tre như một sản phẩm đặc hữu xứ Quảng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân nuôi thuần giống gà tre để bảo tồn nguồn giống.
Mỗi huyện miền núi, trung du cần được hỗ trợ xây dựng 1 - 2 điểm cung ứng giống tập trung, kết nối với mạng lưới hộ nuôi thịt để đủ giống cung ứng. Cán bộ kỹ thuật cơ sở từng bước giúp người nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gà cũng như kỹ thuật chế biến thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng...
Bà Trần Thị Hiệp Giang - cán bộ kỹ thuật Trung tâm KTNN huyện Quế Sơn cho hay, ngoài mô hình nuôi bảo tồn tại 7 hộ nằm trong phạm vi được hỗ trợ, hiện Quế Sơn đã nhân rộng đàn gà tại 8 hộ dân và một số hộ nuôi lân cận. Song, khó khăn hiện nay là con giống còn khan hiếm, người dân chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa.
“Gà tre nuôi rất lâu, phải 5,5 - 6 tháng mới xuất bán được, giá thành cao nhưng lãi suất thấp nên người dân không mặn mà nuôi thương phẩm. Nguồn gà tre trên thị trường khan hiếm, chủ yếu cung cấp nhỏ lẻ cho một số điểm du lịch nhỏ. Mong rằng, khi người dân được hỗ trợ máy ấp trứng gia công sẽ có điều kiện nhân giống tốt hơn để nuôi nhân rộng” - bà Giang nói.