Bảo tồn nguồn gen và tri thức bản địa
Đặt vấn đề này không có nghĩa là phủ nhận vai trò của giống mới và các tiến bộ khoa học - công nghệ nông nghiệp. Phạm vi bài viết này không đề cập đến nguồn gen giống bản địa đang sản xuất có hiệu quả như lòn bon, một số giống cây ăn quả… mà chỉ thảo luận về nâng cao giá trị gia tăng với một số giống nông nghiệp bản địa đang sản xuất và bảo tồn, phát triển nguồn gen giống và tri thức bản địa về nông nghiệp quý đang có nguy cơ bị mất, để có thể nuôi trồng có hiệu quả trong các hệ thống canh tác phù hợp.
Lúa rẫy được nấu rượu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đặc trưng ở huyện Bắc Trà My.
Giữ thì tốt hơn phục hồi
Các nguồn gen giống và tri thức bản địa về nông nghiệp được bao thế hệ cư dân tuyển chọn, nên có ưu điểm là tính thích nghi cao với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương. Phần lớn giống nông nghiệp bản địa có chất lượng tốt nhưng năng suất thấp hơn các giống mới có tiềm năng năng suất cao, được nuôi trồng trong điều kiện thâm canh. Giống mới dần thay thế giống bản địa khi điều kiện nuôi trồng thay đổi, nhất là diện tích tưới mở rộng và nhà nông đủ điều kiện đầu tư thâm canh.
Cùng với đó, tri thức bản địa về nông nghiệp cũng bị mai một. Đơn cử, do nhiều giống mới là các giống ưu thế lai, không thể giữ lại làm giống nên tri thức bản địa về tuyển chọn, nhân giữ giống bị mất dần. Như vùng rau Hưng Mỹ nổi tiếng, nông dân không chỉ phải mua hạt giống lai mà cũng không mấy ai giữ giống các loại cải nên vẫn phải mua hạt giống thuần đắt tiền. Điều này xảy ra phổ biến ở tất cả vùng đồng bằng với nhiều nguồn gen giống nông nghiệp bản địa.
Ngành nông nghiệp đã thực hiện đề tài nhằm chọn giống mới năng suất cao cho canh tác lúa rẫy miền núi Quảng Nam, và đã không chọn được giống mới nào (giống thực nghiệm là các giống lúa cạn) vượt đối chứng (là các giống lúa rẫy bản địa). Sau đó, ngành đã thực hiện đề tài điều tra, chọn lọc, bình tuyển và nhân giống một số giống lúa rẫy địa phương.
Qua đó, thấy rõ vai trò của nguồn gen giống nông nghiệp và tri thức bản địa về nông nghiệp trong điều kiện nuôi trồng khó khăn. Trong việc này, đừng vội cho là đồng bào bảo thủ, chậm tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, khi vùng núi cao Quảng Nam là nơi còn bảo tồn được nguồn gen giống nông nghiệp và tri thức bản địa về nông nghiệp nhiều nhất. Đây là cơ hội để kế thừa, chọn lọc, phát triển; điều này sẽ tốt hơn là phục hồi cái đã mất.
Bảo tồn phù hợp
Bên cạnh dùng giống mới, thâm canh hợp lý với quy mô sản xuất lớn để có sản lượng hàng hóa lớn, cần lựa chọn bảo tồn, phát triển nguồn gen giống nông nghiệp và tri thức bản địa về nông nghiệp quý, phù hợp với điều kiện sản xuất và hệ thống canh tác. Đây sẽ là một lợi thế trong phát triển nông nghiệp sinh thái theo đa giá trị, gắn với nhu cầu đa dạng thị trường.
Ở vùng núi, bố trí hệ thống cây trồng, luân xen canh hợp lý giữa cây dược liệu với các cây trồng bản địa theo đa giá trị về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tạo sản phẩm du lịch gắn với chuỗi giá trị là giải pháp để có sản lượng hàng hóa trên cơ sở ổn định quỹ đất dốc, cấm phá rừng làm nương rẫy.
Các sản phẩm OCOP đã gia tăng chuỗi giá trị gạo lúa rẫy. Với cách làm tương tự, khi các loại rau củ quả, rau rừng, đậu các loại thành sản phẩm có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc chắc chắn sẽ nâng cao chuỗi giá trị của giống cây bản địa.
Không có lý do gì phải thay thế các giống heo đen bản địa đang phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng của đồng bào miền núi và có giá bán gần gấp 2 lần heo giống mới nuôi thâm canh. Việc cần, là chọn lọc, nhân giống để mở rộng quy mô sản xuất heo đen thuần bản địa, vốn đã bị pha tạp với các giống heo khác.
Vùng đồng bằng khó khăn hơn, nhưng không phải không làm được. Những nguồn gen giống nông nghiệp bản địa đã mất hẳn như heo cỏ, các giống lúa địa phương, giống khoai lang hồ điệp và có thể cả cải bằng, cải củ… thì đành chịu.
Nhưng vẫn còn cơ hội phát triển nguồn gen giống nông nghiệp và tri thức bản địa về nông nghiệp quý như gà ta, vịt cỏ, nếp bầu, nếp hương lân, mướp hương, cà chua (quả dẹt, lớn), khổ qua, ớt, các loại bầu bí… cùng với chọn lọc áp dụng tri thức bản địa về nông nghiệp đang có triển vọng về thị trường, giảm lệ thuộc vào giống mua.
Giống gà tre thuần, tạo nên thương hiệu gà đèo Le nổi tiếng của những năm 2010 về trước đã không còn, nếu không lựa chọn gà ngon, mà dùng các giống gà lai cải tiến, nuôi 3 tháng như hiện nay thương hiệu này sẽ sớm mất.
Bên cạnh việc sử dụng giống mới với các kênh tiêu thụ như hiện nay, rất cần phát triển các giống gà ta và vịt cỏ bản địa nuôi theo tập quán truyền thống, không sử dụng thức ăn công nghiệp; gà nuôi 4 - 5 tháng, vịt nuôi 3 - 4 tháng có chất lượng thơm ngon, hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng và mua giá cao gấp 1,5 - 1,7 lần.
Cần lắm sự chung tay vào cuộc của ngành nông nghiệp các cấp, các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp khởi nghiệp kiến tạo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, sản phẩm đến người tiêu dùng để tạo động lực cho nông dân bảo tồn, phát triển nguồn gen giống nông nghiệp và tri thức bản địa về nông nghiệp quý.