Bảo tồn, nhân nuôi dòng lan chỉ nở hoa dịp Tết
Bảo tồn dòng lan đặc hữu
Những ngày cuối năm 2022, khu nhà màng của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (Viện KHKTNN DHNTB) mướt xanh những chậu lan đai châu - loài cây đặc hữu trong rừng tự nhiên của Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định), được các nhà khoa học của Viện áp dụng phương pháp nuôi cấy mô (nhân giống in vitro) bảo tồn, cho sinh trưởng hàng ngàn cây chuẩn bị cung ứng cho người chơi trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thạc sĩ Lê Đức Dũng, Phó Trưởng Bộ môn Rau - hoa - cây cảnh của Viện KHKTNN DHNTB đang chăm sóc những chậu lan đai châu.
Theo Thạc sĩ Lê Đức Dũng, Phó Trưởng Bộ môn Rau - hoa - cây cảnh của Viện KHKTNN DHNTB, đặc điểm của dòng lan đai châu là ra hoa đúng dịp Tết, có mùi thơm đặc trưng, hoa có màu trắng chấm tím nên rất được người chơi ưa chuộng. “Hoa lan đai châu thường nở vào cuối tháng Chạp âm lịch, hoa rũ xuống, cánh môi màu tím. Hoa lan đai châu có độ bền cao, người chơi có thể thưởng ngoạn cả tháng Giêng năm sau mới tàn”, Thạc sĩ Dũng cho biết.
Trước nguy cơ lan đai châu bị người dân khai thác tận diệt trong rừng tự nhiên, cách đây 6 năm, nhóm nghiên cứu của Viện KHKTNN DHNTB đã thu thập trái của cây lan đai châu từ rừng An Toàn (huyện An Lão) ở giai đoạn chín sinh lý, sau đó áp dụng phương pháp nuôi cấy mô để bảo tồn và phát triển dòng lan quý. Hiện trong khu nhà màng của Viện KHKTNN DHNTB nằm trên địa bàn phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang có đến 1.000 chậu lan đai châu đã được 7 năm tuổi, 70% trong số đó sẽ cho hoa vào Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
TS Hồ Huy Cường (áo trắng), Viện trưởng Viện KHKTNN DHNTB kiểm tra vườn lan đai châu.
Những chậu lan đai châu trong khu nhà màng của Viện KHKTNN DHNTB hiện hầu hết đã được 10 - 12 lá. Lá lan đai châu mọc ngang, cong xuống đối xứng, thân được xếp thành 2 hàng mọc đối nhau, lá của hàng này xen kẽ với lá của hàng kia, chiều dài lá từ 30 - 40cm, chiều rộng lá 4 - 5cm.
Theo Thạc sĩ Lê Đức Dũng, cây lan đai châu từ khi gieo hạt vào môi trường dinh dưỡng đến khi hạt nảy mầm mất khoảng 2 tháng. Sau đó tiếp tục lựa chọn những phôi phát triển khỏe mạnh cấy chuyền sang môi trường tạo cây con, sau 2 tháng cây tiếp tục được cấy chuyền sang môi trường tạo cây hoàn chỉnh.
Khi cây có từ 4 - 5 rễ, 2 lá hoàn thiện thì được đưa ra huấn luyện để cây quen dần với điều kiện nhiệt độ và ánh sáng trong điều kiện vườn ươm, nâng cao tỉ lệ sống của cây con khi đem trồng. Cây lan đai châu mỗi năm sinh trưởng 2 - 3 lá, đến năm thứ 4, thứ 5 là ra hoa.
70% trong số 1.000 chậu lan đai châu của Viện KHKTNN DHNTB sẽ nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Thường thì vào tháng 7 âm lịch hàng năm, lan đai châu sẽ phân hóa mầm hoa do điều kiện ánh sáng từ ngày dài chuyển sang ngày ngắn. Lan đai châu trồng trong nhà màng tránh được mưa, nên hạn chế được bệnh thối rã. Nếu trồng ngoài trời, sau khi mưa, cây lan phải được tưới nước rửa lá để tránh bị thối nhũn”, Thạc sĩ Dũng chia sẻ.
Sở hữu lan đai châu với giá cực “mềm”
Trước nhu cầu chơi lan rừng ngày càng tăng cao, nhất là lan đai châu nên nạn khai thác loài lan này trong rừng tự nhiên cũng tăng theo, khiến lan đai châu đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Một cội “lan già” trong nhà màng trồng lan đai châu của Viện KHKTNN DHNTB.
Trong khi hạt lan đai châu cũng như các loài hoa lan khác là hạt không có nội nhũ, nên không tự nảy mầm trong điều kiện bình thường, mà phải cộng sinh đặc hiệu mới có khả năng nảy mầm. Khai thác quá nhiều đã khiến cho lượng hạt giống lan phát tán trong tự nhiên ngày một ít đi. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cùng với tác động của con người đã thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, làm mất đi môi trường sống thích hợp của lan đai châu. Vì vậy, trong điều kiện tự nhiên hạt rất khó nảy mầm và phát triển thành cây con, càng làm tăng thêm nguy cơ tuyệt chủng loài lan quý này.
Hoa lan đai châu màu trắng có đốm tím, cánh môi màu tím.
Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN DHNTB, do cây con được gieo từ hạt có sự không đồng đều về hình thái, màu sắc hoa, sức sinh trưởng, khả năng chống chịu. Vì vậy thời gian tới, từ quần thể cây 7 năm tuổi Viện đang lưu giữ, nhóm nghiên cứu của Viện sẽ tiếp tục chọn lọc những cá thể ưu tú, ứng dụng công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng nhằm tạo cây con đồng đều, đồng thời duy trì những đặc tính quý hiếm của giống gốc nhằm góp phần tiếp tục bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm lan đai châu An Lão.
Lan đai châu được nhóm nghiên cứu của Viện KHKTNN DHNTB áp dụng công nghệ nuôi cấy invitro để bảo tồn nguồn gen.
“Một giò lan đai châu khai thác từ tự nhiên hiện có giá ít nhất 2 triệu đồng, trong khi 1 chậu lan đai châu do Viện nuôi cấy có giá chỉ 300.000 đồng. Đây là giá khá mềm đối với những người thích chơi hoa lan, nhất là những người “nghiện” lan đai châu An Lão đang sinh sống, làm ăn ở các tỉnh miền Nam. Họ chơi lan Đai Châu như để trong nhà có chút hương hoa đặc trưng của quê nhà”, Thạc sĩ Lê Đức Dũng chia sẻ.