Bình Định: Gieo sạ linh động để tránh mất giống
Vụ đông xuân (ĐX) ở Bình Định thường gặp lũ muộn, làm trôi giống mới gieo sạ. Vụ ĐX 2020-2021 sắp tới, tỉnh này cơ cấu lịch thời vụ linh động để tránh thiệt hại.
Theo kế hoạch, năm 2021, Bình Định tiếp tục duy trì cánh đồng mẫu lớn (CĐML) các loại cây trồng, thực hiện trên 260 CĐML với diện tích 12.000ha, xây dựng từ 1-2 mô hình liên kết, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trên 2.000ha.
Để bảo toàn giống gieo sạ trong vụ ĐX 2020-2021, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra lịch thời vụ linh động theo thực tế sản xuất từng địa phương. Cụ thể: Ruộng chân cao sạ cưỡng sẽ xuống giống trong tháng 11/2020. Ruộng sản xuất 3 vụ lúa /năm sẽ linh động xuống giống theo 2 phương án: Nếu tiết Đại Tuyết không có mưa lớn, sẽ gieo sạ tập trung từ ngày 25/11 đến trước ngày 5/12/2020, cho lúa trỗ sau tiết Lập Xuân (sau ngày 04/02/2021); nếu tiết Đại Tuyết có mưa lớn, sẽ gieo sạ sau ngày 7/12 đến ngày 15/12/2020, cơ cấu các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày.
Chân ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm sẽ gieo sạ tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2020, cho lúa trỗ sau tiết Kinh Trập (sau ngày 5/3/2021). Đối với chân ruộng trũng thì nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, kết thúc gieo sạ vào cuối tháng 1/2021.
“Trên cơ sở khung lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương căn cứ diễn biến thời tiết, điều kiện sản xuất từng vùng, đặc điểm giống lúa để xác định thời điểm gieo sạ phù hợp, tránh mất giống đầu vụ và lúa trỗ gặp lạnh. Đồng thời, chủ động điều chỉnh thời vụ gieo sạ khi có mưa lớn để hạn chế thiệt hại mất giống đầu vụ”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.
Cũng theo bà Trân, để đảm bảo năng suất bình quân đạt 70,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 337.801 tấn, Bình Định cơ cấu giống lúa phù hợp với từng chân đất, từng vùng sản xuất. Theo đó, đối với ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, Bình Định cơ cấu các giống chủ lực: Khang dân đột biến, ĐV108, TBR36, An Sinh 1399; các giống bổ sung, gồm: Q5, VTNA 2, Thiên ưu 8, Bắc Thịnh, ĐB6, PY2, MT10, KD28, DT45, TBR45, PC6, SV181.
Ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm bố trí các giống chủ lực, gồm: Q5, TBR1, ĐV 108, Khang dân đột biến; và các giống bổ sung: ĐB6, Thiên ưu 8, BC15, TBR45, TBR36, VTNA2, Bắc Thịnh, An Sinh 1399, NA6, Đài Thơm 8, TBR225, Hà Phát 3, KD28 và các giống lúa triển vọng, gồm: DH815-6, ĐT100, Hương Châu 6, VNR10, VNR20, OM6600, Hương Xuân.
Đồng thời ngành nông nghiệp Bình Định còn giới thiệu một số giống lúa triển vọng như: BĐR27, BĐR999, BĐR57, BĐR88, GBS9, QNg6, QNg13, QNg128, HĐ34, Phong Nha 99, Q. Nam 9, VNR88, Sơn Lâm 1, Đất cảng 1, HQV115, ML 232, ND 502. Các giống lúa sản xuất theo hợp đồng liên kết của doanh nghiệp, gồm: ADI 28, ADI 168, SHPT3. Giống lúa lai chủ lực được bố trí: TH 3-5, TH 3-3, Nhị ưu 838, CT 16, Bio 404 và giới thiệu các giống lúa lai triển vọng: MHC2, LC270.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác cây trồng cạn trên đất lúa. Trong đó, chú ý hệ thống tưới tiêu, không để ngập úng cục bộ, lên luống cao, chuyển đổi liên vùng không để đan xen giữa lúa và cây màu.
“Đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất vụ ĐX 2020-2021 phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm; chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo sạ giống lúa trong cơ cấu, giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không gieo sạ bằng thóc thịt”, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.