Bình Thuận xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi
Tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Định hướng phát triển chăn nuôi
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 theo quyết định 1520 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, quan điểm phát triển chăn nuôi của tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và cả nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp hóa, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Tập trung phát triển những loại vật nuôi có lợi thế như heo, bò, gia cầm và chim yến…
Tỉnh Bình Thuận định hướng phát triển chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung.
Về định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, theo UBND tỉnh Bình Thuận, sẽ đẩy nhanh phát triển chăn nuôi đạt tốc độc tăng trưởng và giá trị gia tăng hàng năm bằng với trung bình của cả nước.
Trong đó, chăn nuôi lợn sẽ chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung; chú ý các giải pháp xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (kể cả cơ sở nuôi hiện trạng và phát triển mới); cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống trên cơ sở mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo heo. Tổng đàn heo có mặt thường xuyên ở quy mô từ 350 ngàn con đến 400 ngàn con, trong đó đàn lợn nái 65 ngàn con.
Chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo tính bền vững, phát triển đàn gà, vịt siêu thịt. Chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, ưu tiên phát triển đàn gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chú ý các giống gà thịt, vịt thịt chất lượng cao, hạn chế tối đa bùng phát dịch bệnh. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên 3,5 triệu con và thủy cầm 2,2 triệu con.
Chăn nuôi trâu, bò ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò. Đàn bò ổn định ở quy mô khoảng 172 ngàn con và đàn trâu ổn định khoảng 9 ngàn con. Chăn nuôi dê, cừu tập trung nâng cao chất lượng đàn dê, cừu; ổn định quy mô từ 38 ngàn đến 40 ngàn con.
Đối với nuôi chim yến thì tùy theo điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển các hình thức, quy mô nuôi phù hợp với Luật Chăn nuôi và Nghị định số 13 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Tương tự, nuôi heo đen bản địa và dông cũng theo điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển các hình thức, quy mô nuôi phù hợp.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi hữu cơ bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm; đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 60% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 20% được chế biến sâu…
Giải pháp
Để đạt được những định hướng trên, tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp. Cụ thể, sẽ triển khai kịp thời có hiệu quả các chính sách về phát triển chăn nuôi của Trung ương, của tỉnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Chăn nuôi trâu, bò ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn.
Bên cạnh đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường chăn nuôi. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chăn nuôi.
Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra tiếp tục đào tạo để nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là hệ thống chăn nuôi thú y cấp xã. Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với hoạt động khuyến nông. Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học thay thế nguồn nhập khẩu.
Đổi mới tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y…
Tỉnh Bình Thuận giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; đồng thời tham mưu xây dựng các chương trình, đề án có liên quan. Cũng như chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN-PTNT cấp huyện thông tin, tuyên truyền nội dung kế hoạch này đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và nhân dân. Và, hướng dẫn nhân dân về quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi các sản phẩm chủ lực, sơ tổng kết để nhân rộng…