Bò ăn cỏ ủ chua, tăng trọng cao hơn 15 - 20%

Bò ăn cỏ ủ chua, tăng trọng cao hơn 15 - 20%
Ủ chua thức ăn thô xanh cho bò ăn, giúp tăng trọng cao hơn từ 15 - 20%, hiệu quả kinh tế tăng 15% trở lên so với sản xuất ngoài mô hình...

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận vừa tổ chức hội thảo tham quan mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đối khí hậu năm 2022 cho 30 hộ dân trong và ngoài mô hình của xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tổng đàn gia súc của tỉnh đến thời điểm hiện tại hơn 521 nghìn con, tăng hơn 9% so với năm 2021. Thời gian qua, các mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của chăn nuôi gia súc trong tỉnh.

Tại mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ được triển khai tại xã Bắc Sơn, đã trồng được 9ha cỏ VA-06, chế biến được 38/60 tấn thức ăn tại 45 hộ dân ở xã Bắc Sơn. Cỏ VA-06 chuyển giao có năng suất đạt bình quân 296,5 tấn/ha/năm, cao hơn chỉ tiêu kỹ thuật của dự án 46,5 tấn/ha/năm (≥250 tấn/ha/năm), vượt trội so với các giống cỏ hiện đang được người dân trồng khoảng 20 - 30%.

Hộ ông Nguyễn Thành Phương ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn tham gia trồng 2.000m2 cỏ VA-06, đến nay đã chế biến được hơn 3 tấn thức ăn. Ông chia sẻ: “Ban đầu, khi mới đưa thức ăn ủ chua cho đàn bò ăn, nên trộn cỏ đã ủ và cỏ chưa ủ để bò thích nghi dần. Các bao thức ăn ủ chua có thể sử dụng trong thời gian 6 tháng và cho ăn khi trời mưa nhiều, hay mùa nắng nóng để bổ sung dinh dưỡng vào khẩu phần ăn cho đàn bò. Từ khi ủ cỏ cho bò ăn, đàn bò nhanh lớn và bộ lông rất mướt, đẹp nên xuất chuồng được giá hơn”.

Bò ăn cỏ u chua

Nông dân tham quan và học kinh nghiệm kỹ thuật ủ chua thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ.

Cũng tại đây, các hộ dân một lần nữa được tận mắt xem, thực hành và trao đổi những kinh nghiệm về kỹ thuật chế biến thức ăn, cách chăm sóc và vỗ béo bò để nhanh xuất chuồng và dần thay đổi nhận thức về lợi ích của quá trình ủ chua thức ăn mang lại cho đàn vật nuôi như hàm lượng xơ giảm khoảng 20%, khả năng tiêu hóa của gia súc nhai lại tăng khoảng 30%. Từ những chỉ tiêu kỹ thuật được cải thiện trên đây, đã giúp nâng cao thêm khả năng tăng trọng của gia súc nhai lại từ 15 - 20% và hiệu quả kinh tế tăng 15% trở lên so với sản xuất ngoài mô hình.