Bộ NN-PTNT ra công điện phòng chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen

Bộ NN-PTNT ra công điện phòng chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen

Ngày 3/8, Bộ NN-PTNT đã ra công điện số 5906/CĐ-BNN-BVTV về việc chỉ đạo chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen hại lá vụ mùa 2018 tại một số tỉnh phía Bắc.

Vụ mùa 2018, các tỉnh phía Bắc đã gieo được hơn 800.000 ha lúa. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Sơn Tinh), một số diện tích lúa mùa chưa kịp gieo cấy và một số diện tích bị ngập nặng sẽ phải gieo cấy lại. Bên cạnh đó, ngay sau khi bão đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, theo báo cáo của các địa phương mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng tăng đột biến, đặc biệt tỷ lệ mẫu rầy lưng trắng mang virus gây bệnh lùn sọc đen tương đối cao, trung bình 14%, cá biệt trên 50% (tại một số địa phương của tỉnh Hải Phòng).

Dự báo, trong thời gian tới tình hình thời tiết vẫn có những diễn biến bất thường, mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho tập đoàn rầy, trong đó có rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng mật độ, nguy cơ cao lan truyền bệnh lùn sọc đen trên diện rộng.

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen đến năng suất lúa, góp phần đảm bảo thắng lợi SX lúa mùa 2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh (như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa) và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

Một là, chỉ đạo UBND các cấp, các ban ngành của địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng cán bộ Trồng trọt và BVTV bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến phát sinh gây hại của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên từng trà lúa, đặc biệt lưu ý đối với các trà lúa mới gieo cấy, các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh; chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những diện tích lúa có mật độ rầy lưng trắng cao bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Tiếp tục lấy mẫu rầy lưng trắng trên đồng ruộng kiểm tra tỷ lệ nhiễm virus lùn sọc đen để có biện pháp chỉ đạo chủ động và kịp thời.

Hai là, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác thăm đồng thường xuyên và thực hiện kịp thời các biện pháp kỹ thuật phòng chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên môn tại địa phương. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu cho người dân.

Ba là, giao Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật cơ sở phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, khu IV tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp chống bệnh kịp thời. Phân tích, kiểm tra và trả lời kết quả nhanh nhất đối với các mẫu rầy lưng trắng của các địa phương gửi kiểm tra tỷ lệ nhiễm virus lùn sọc đen. Thường xuyên cập nhật và báo cáo kết quả phòng chống dịch bệnh về Bộ NN-PTNT.

Bốn là, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ căn cứ chức năng nhiệm vụ giao chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với ngành bảo vệ thực vật trong phòng chống rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, lãnh đạo các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ NN-PTNT để phối hợp, xử lý kịp thời.

Rầy