Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm
Công văn nêu rõ, nhận định nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới là rất cao, do các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ tương đối lớn; Gia tăng vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật giữa các địa phương để phục vụ các dịp lễ hội cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số; Nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại. Hơn nữa, tỉnh Lạng Sơn có địa hình phức tạp, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua biên giới, vận chuyển hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật. Cùng đó, thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Trong đó: Tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo đúng quy định.
Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh, nhất là đối với bệnh nguy hiểm trên vật nuôi tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine; có phương án, kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí, nguồn lực để đẩy mạnh tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi cho đàn heo thịt theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y.
Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh; định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi hộ có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ, điểm thu gom, tập kết, buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai kịp thời, có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chỉ đạo Sở NN&PTNT, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đồng thời thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.