Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì về giá thịt lợn hơi tăng trở lại?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì về giá thịt lợn hơi tăng trở lại?

Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ đưa ra nhiều kịch bản để bảo đảm cung - cầu thịt lợn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Tình trạng giá lợn hơi giảm xuống mức kỷ lục nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, quyền lợi của người nông dân bị ảnh hưởng đang là vấn đề nóng được đông đảo người dân quan tâm. Ở góc độ quản lý ngành, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giá cả trên thị trường được quyết định dựa vào cung - cầu, nhưng cùng lúc do thị trường bị đứt gãy vì Covid-19, việc thông tin cho rằng thịt lợn hơi đang "thừa mứa" đã tạo nên yếu tố cảm xúc, nên người nông dân bằng mọi giá phải bán ra.

“Cần bình tĩnh phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng để xem nguyên nhân nằm ở đâu để tháo gỡ. Vấn đề cung cầu thị trường, chúng ta phải quen dần có lúc lên lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối được hết”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngay cả châu Âu cũng lo ngại sụp đổ ngành chăn nuôi bởi, cầu giảm nhưng cung không giảm, giá thức ăn đầu vào tăng cao, là vấn đề ngành nông nghiệp cả thế giới đang đối mặt.

“Trong ngắn hạn, để đối phó với đợt giảm sâu như thế này, chúng ta cũng hy vọng các chợ đầu mối ở các đô thị lớn, như TP. Hồ Chí Minh, khi mở cửa trở lại sẽ kích đầu cầu lên. Giá mấy ngày hôm nay cũng bắt đầu nhích lên rồi nhưng cũng chưa tương xứng với chi phí của bà con, nhưng cũng đã có tín hiệu ban đầu” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Nêu giải pháp cụ thể, Bộ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ bám sát thị trường trên cơ sở thống kê, phân tích lại đầu cung theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết trong nhiều năm qua. Đồng thời, làm việc với các trung tâm phân phối tiêu thụ lớn và phân tích số liệu cụ thể. Việc này nhằm khắc phục thực tế ngành nông nghiệp bám số liệu chưa sát trong thời gian qua.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, phòng chống dịch bệnh bên cạnh đưa ra giải pháp hỗ trợ địa phương ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, cung ứng trực tiếp sản phẩm thông qua hệ thống phân phối sẵn có, xây dựng liên kết ngang hợp tác xã - tổ hợp tác - chi hội...