Bức tranh màu xám của ngành dệt may trước ngưỡng cửa hội nhập
10-102017
Một lượng lớn DN dệt may vừa và nhỏ đang rất khó khăn, phải nỗ lực để tồn tại trong quý 1/2016, và không ít DN đang tạm ngưng sản xuất
Việt Nam hiện có 5.982 công ty dệt may, 70% trong số đó là công ty may, nhưng chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, sản xuất nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp.
Sản phẩm dệt may chiếm tỷ lệ gia công đến 70%, chưa bán trực tiếp cho các nhà phân phối quốc tế. Ở thị trường nội địa, ít DN chú ý xây dựng kênh phân phối, công tác tiếp thị, phát triển thị trường…
Đây chính là những rào cản tự thân mà DN dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam đang gặp phải. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Công Ái, chuyên gia cao cấp của Công ty TNHH KPMG (Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn…).
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội mới với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, một lượng lớn DN dệt may vừa và nhỏ đang rất khó khăn, phải nỗ lực để tồn tại trong quý 1/2016. Và không ít DN đang tạm ngưng sản xuất, thậm chí là bán lại nhà xưởng do thiếu đơn hàng.
Cũng có trường hợp DN nhỏ, vốn đầu tư ít, khi nhận đơn hàng lớn không đủ năng lực đáp ứng, do không chủ động được nguồn nguyên liệu (ước tính hiện chỉ khoảng 20% -30% DN dệt may chủ động được nguồn nguyên liệu), lại bỏ hợp đồng.
Ngoài ra, một số chính sách mới cũng đang tác động đến DN dệt may nhỏ. Cụ thể như, việc điều chỉnh lương tối thiểu và chi phí bảo hiểm đang tạo thêm gánh nặng cho DN nhỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Công Ái nhận định, mặc dù là ngành sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng ngành dệt may Việt Nam hiện chỉ tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói.
Việc đầu tư lớn cho dệt may để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại đều chỉ có ở DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
DN dệt may trong nước (kể cả DN lớn) vẫn còn yếu kém trong khâu thiết kế, bởi DN Việt hiện chưa có khả năng tự thiết kế và xây dựng thương hiệu.
Hiện nay chỉ có 2% – 3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là hàng ODM (là hàng chủ động từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến thành phẩm…).
Lại nữa, năng suất lao động trung bình trong ngành dệt may Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 Hong Kong và bằng 1/4 Trung Quốc, rồi giá sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam cao hơn từ 15% – 30% so với giá thế giới.
Ở thị trường xuất khẩu, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn của hàng giá rẻ từ Trung Quốc và Ấn Độ, với ưu thế giá rẻ do chủ động nguồn nguyên liệu sẵn có, trong khi Việt Nam nhập khẩu đến 70% – 90% nguyên liệu. Trung Quốc, Ấn Độ còn có lợi thế về lao động năng suất rất cao.
Nhìn sang một số nước láng giềng rất gần như Campuchia có thể thấy, ngành dệt may xuất khẩu của nước này đang có sự tăng trưởng bứt phá nhờ vào những hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương tối thiểu, được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ các thị trường lớn, bên cạnh nguồn nhân công đông đảo…
Hiện nay, Campuchia đã có trên 1.000 nhà máy may mặc, sử dụng đến 750.000 lao động.
Còn tại Lào, lượng hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường lớn châu Âu cũng tăng 10% trong quý 1/2016 nhờ nhiều nhà máy tại Đặc khu kinh tế Savan-Seno, thuộc tỉnh Sanvanakhet, Trung Lào, bắt đầu xuất khẩu sản phẩm.
Và như thế, nếu DN nhỏ Việt Nam vẫn cứ rất yếu về nội lực như hiện nay, thì khó tiếp cận cơ hội, chứ đừng nói đến việc nắm bắt.