Cần chiến lược xứng đáng cho vị trí 'á hậu' của cây sắn
Ngày 8/4, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Chưa xem sắn là cây trồng chủ lực
Theo Cục Trồng trọt, năm 2021, diện tích sắn cả nước đạt 528 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, Tây Nguyên có diện tích trồng sắn lớn nhất nước với 172,5 nghìn ha, chiếm 32,7% diện tích sắn cả nước.
Năm 2021, năng suất sắn bình quân cả nước đạt 20,3 tấn/ha, sản lượng gần 10,7 triệu tấn. Xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020.
Trung Quốc là thị trường chính, hàng năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm từ 90 - 94%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494,38 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thị trường thế giới, nước ta là quốc gia có sản lượng sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới và xếp thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu. Trong nước, hiện có 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại 27 tỉnh, đáp ứng công suất chế biến trên 8,6 triệu tấn củ tươi/ năm.
Giá trị xuất khẩu từ cây sắn năm 2021 đạt gần 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện trình độ chế biến tinh bột sắn còn hạn chế, chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc, Thái Lan. Mặt khác, cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ hầu hết chỉ được trang thiết bị tự chế tạo hết sức đơn giản, nằm rải rác gần khu dân cư và các làng nghề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân. Ngoài ra, sản phẩm chế biến chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, sắn không còn là cây “xóa đói” mà đã chuyển mình trở thành cây trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, phát triển cây sắn ở Việt Nam còn tiểm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến thiếu bền vững. Cụ thể, phát triển sắn ở nhiều địa phương không phải là lợi thế dẫn đến năng suất, chất lượng không đảm bảo. Cùng với đó, xây dựng các nhà máy chế biến nhưng không gắn với vùng nguyên liệu dẫn đến sự mất cân đối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, vấn đề liên kết kết giữa sản xuất và doanh nghiệp chế biến còn yếu, phát triển HTX trong ngành hàng sắn còn nhiều hạn chế. Công nghệ trong nhiều nhà máy, nhất là các nhà máy nhỏ còn lạc hậu, xử lý môi trường chưa được chú trọng dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường. Đặc biệt, chưa có nhiều giống sắn cho năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng tinh bột cao và chống chịu bệnh khảm lá sắn.
Sắn không còn là cây "xóa đói giảm nghèo".
Ở một góc nhìn khác, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, dù nằm trong 13 cây trồng chủ lực nhưng nhiều địa phương vẫn chưa xác định được vị thế của cây sắn trong phát triển kinh tế. Mặt khác, một số địa phương vẫn còn định kiến với cây sắn khi cho rằng trồng sắn làm nghèo đất, chế biến gây ô nhiễm, không thân thiện với môi trường. Do đó, trong quy hoạch cũng như phân bố cơ cấu cây trồng, sắn không được ưu tiên, chú trọng phát triển.
“Sắn đang trở thành cây công nghiệp khi có hàng trăm nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại tạo ra vùng nguyên liệu trên nửa triệu ha, năng suất, kim ngạch xuất khẩu tăng và có giá trị cao trong những năm gần đây. Chính vì vậy, cần phải làm thay đổi suy nghĩ của người dân trong định hướng phát triển cây sắn trong thời gian tới”, ông Nghiêm Minh Tiến chia sẻ.
Cần xây dựng đề án phát triển sắn bền vững
Với mục tiêu đến năm 2030 đạt từ 1,5 đến 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ông Nghiêm Minh Tiến cho biết, ngành sắn đang nỗ lực cùng với các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT xúc tiến xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành sắn trình Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2050.
Là cây trồng "tỉ đô", nhưng nhiều địa phương còn "bỏ rơi" cây sắn.
Ông Tiến cho biết, giải pháp trước mắt là chuyển giao giống sạch bệnh cho người người dân. Về lâu dài, cần thay thế giống cũ bằng bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao và kháng được bệnh. Đồng thời, Hiệp hội sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để việc áp dụng bắt buộc các nhà máy phải cam kết với địa phương đầu tư vùng nguyên liệu từ 500 - 1.000 ha/năm, đáp ứng 30 - 40% nguyên liệu cho nhà máy.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay, xuất khẩu sắn vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dẫn đến nhiều rủi ro. Đứng trước tình hình đó, Hiệp hội cũng đã có những định hướng về thị trường, mở rộng việc xúc tiến thương mại xuất khẩu sang EU và các nước khác. Muốn vậy, ngành sắn cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu để đáp ứng tốt đối với những thị trường khó tính.
Về phía địa phương, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ không mở rộng diện tích sắn, đồng thời tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh kỹ thuật cao, lựa chọn các giống sắn có khả năng kháng bệnh tốt để sản xuất, nâng cao năng suất.
Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các nhà máy liên kết với các HTX, các hộ dân trồng sắn theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, áp dụng các giải pháp kỹ thuật chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao.
Muốn vậy, Gia Lai mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ tỉnh nguồn giống sắn có khả năng kháng bệnh tốt để đảm bảo nguồn giống hỗ trợ cho người dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá virus hại sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh từ năm 2017. Đến nay, bệnh đã lan rộng ra 27 tỉnh, thành trong cả nước và gây hại nhiều diện tích trồng sắn ở nước ta với diện tích nhiễm hơn 65.450 ha.
Ổn định diện tích, tập trung hạ giá thành, tăng hiệu quả
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thông qua hội nghị cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ trong sản xuất sắn ở Việt Nam, đó là năng suất chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng; một số nơi diện tích canh tác chưa bền vững, xói mòn đất. Ngoài ra, dịch bệnh cây sắn còn xuất hiện nhiều, không chỉ bệnh khảm mà còn có nhiều bệnh khác, sản phẩm từ cây mì chưa đa dạng, còn xuất khẩu thô…
Từ những hạn chế này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu thời gian tới, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí và giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường liên kết giữa các nhà máy với nông dân.
“Quan điểm của Bộ NN-PTNT là không đặt nặng vấn đề tăng diện tích, giữ ổn định khoảng 500 ngàn ha sắn, đồng thời tập trung thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí giá thành sản xuất. Chúng ta cần đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng năng suất bình quân lên 25 tấn/ha và đến năm 2030 đạt 30 tấn/ha”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu, nhân giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh đáp ứng sản xuất.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cần phải thay đổi cách nhìn về cây sắn không còn là cây “xóa đói giảm nghèo” mà trở thành cây hàng hóa. Bên cạnh đó, cần phải tập trung công tác nghiên cứu khoa học để tìm ra những bộ giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có khả năng kháng bệnh, hàm lượng tinh bột cao.
Hiện nay đã có 6 giống đã khảo nghiệm được công nhận, quan trọng là nhân giống để người dân được tiếp cận, sử dụng các loại giống mới. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật phải đề xuất quy trình nhân giống hiệu quả để cung cấp cho thị trường.
Về công tác chế biến, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tiếp tục rà soát, xây dựng nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo cân đối cung – cầu, đổi mới công nghệ để đa dạng chế biến sâu các sản phẩm từ sắn. Ngoài ra, cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với địa phương để phát triển sắn bền vững.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo thời gian tới, Cục Trồng trọt cần phối hợp với các đơn vị chức năng cần phải thực hiện ngay đề án phát triển cây sắn bền vững giai đoạn 2025 - 2030.
"Vấn đề khác cũng rất quan trọng là công tác truyền thông. Chúng ta có hơn nửa triệu ha trồng sắn, nhưng công tác truyền thông trong thời gian qua vẫn chưa giúp nâng tầm cây sắn. Trong thời gian tới, đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần phối hợp với Báo Nông Nghiệp Việt Nam đẩy mạnh truyền thông để người dân biết đến tầm quan trọng của cây sắn trong phát triển kinh tế".
(Thứ trưởng Lê Quốc Doanh).