Các giống lúa siêu xanh chống chịu thời tiết khắc nghiệt

Các giống lúa siêu xanh chống chịu thời tiết khắc nghiệt
Trung Quốc đang lai tạo nhiều giống lúa siêu xanh khác nhau có khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái của từng quốc gia.

Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) tại Bắc Kinh đang gấp rút gắn thẻ và chỉnh sửa gen gạo, một trong những yếu tố quyết định trong quá trình nhân giống lúa siêu xanh (GSR).

Như tên gọi của nó, giống lúa này cho sản lượng cao nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi áp dụng phương pháp sàng lọc di truyền để đưa chất lượng hoặc các đặc điểm mà chúng tôi cần vào giống lúa này”, ông Xu Jianlong, một giáo sư nghiên cứu về chọn tạo giống lúa phân tử thuộc Viện CAAS cho biết.

Năm 2008, với sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc và Quỹ Bill & Melinda Gates, phòng thí nghiệm của Viện CAAS bắt tay vào phát triển các giống lúa siêu xanh nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại các vùng khan hiếm tài nguyên tại châu Phi và châu Á.

Ông Xu cho biết: “Chúng tôi đã và đang lai tạo nhiều giống lúa siêu xanh khác nhau có khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái của từng quốc gia. Tại châu Phi, chúng tôi lai tạo giống có khả năng chống chịu hạn hán và nhiệt độ cao, trong khi ở Đông Nam Á thường xảy ra bão, chúng tôi sản xuất loại lúa chống đổ ngã và chống chịu dịch bệnh như bệnh bạc lá do vi khuẩn”.

Theo vị chuyên gia này, siêu bão Haiyan đổ bộ Philipines năm 2013 đã quét sạch toàn bộ các giống lúa bản địa của đảo Leyte. “Tuy nhiên, giống GRS8 mà chúng tôi thử nghiệm trồng tại khu vực đó cho thấy khả năng chống chịu tốt trước bão lũ, hạn hán và tổn hại xâm nhập mặn, năng suất vẫn đạt 1,2 tấn mỗi ha”.

Chính phủ Philippines sau đó đã quyết định khuyến khích sử dụng hạt giống GSR8, và giống lúa này đã nhanh chóng được gieo trồng trên 430.000ha vào năm 2014.

Tính đến năm 2018, các giống GSR đã được giới thiệu trồng tại Philippines trên 1,09 triệu ha, chiếm 22,64% diện tích trồng lúa của nước này. Đến năm 2021, diện tích tích lũy của các giống GSR đạt 10,8 triệu ha ở Philippines.

Những câu chuyện thành công cũng xuất hiện tại các nước châu Á khác. Giống NIBGE-GSR1, được quảng bá ở Pakistan, có năng suất trung bình khoảng 9,5 tấn/ha, so với 7 tấn của giống địa phương. Hiện tại, sáu giống GSR, bao gồm NIBGE-GSR1, 2, 3, 7, 8 và NIAB GSR39, đã được chứng nhận bởi chính quyền Pakistan, theo CAAS.

Đối với các chuyên gia CAAS, việc triển khai sản xuất lúa GRS tại châu Phi khá khó khăn do cơ sở vật chất nông nghiệp tại đây khá nghèo nàn. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của CAAS, Công ty Green Agriculture West Africa và Tập đoàn xây dựng CGCOC đã chung tay phát triển giống lúa siêu xanh GAWAL R1 giúp thúc đẩy sản xuất gạo. Được xác nhận ở Nigeria vào năm 2017, GAWAL R1 mang lại năng suất cao hơn khoảng 30% so với giống địa phương Faro 44. Năng suất lúa trung bình tại Nigeria đã tăng từ 1,98 tấn/ha vào năm 2019 lên 2,5 tấn/ha vào năm 2022.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các quốc gia Tây Phi xây dựng hệ thống giống lúa và giải quyết nhu cầu về lương thực thực phẩm đang rất eo hẹp của họ”, ông Xu cho biết.

Theo CAAS, những thập kỷ qua, các giống GSR được nhóm dự án gạo siêu xanh thử nghiệm, chứng nhận và giới thiệu đến 18 quốc gia và khu vực châu Phi và châu Á, với diện tích trồng tích lũy hơn 6 triệu ha đã giúp ích cho hơn 1,6 triệu nông dân.

Theo kế hoạch trong tương lai, các chuyên gia tin rằng việc "dạy người dân cách nhân giống lúa" quan trọng hơn việc đáp ứng nhu cầu trước mắt là "cho họ gạo".