Cách tăng hiệu quả sử dụng vắc xin khi tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Cách tăng hiệu quả sử dụng vắc xin khi tiêm phòng cho gia súc, gia cầm
Làm thế nào để tăng hiệu quả sử dụng vắc xin khi tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm?

Tiêm phòng vắc xin là một khâu quan trọng trong quá trình chăn nuôi nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi làm giảm thiểu được nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tăng năng suất chăn nuôi. 

Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng vắc xin tiêm phòng tiêm phòng để nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi có thể áp dụng:

Trước khi tiêm phòng

+ Kiểm tra nguồn gốc vắc xin: Chỉ mua vắc xin ở những địa chỉ tin cậy, được cấp phép bán vắc xin, có đủ phương tiện, trang thiết bị cho việc bảo quản vắc xin.

+ Bảo quản vắc xin đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn mác. Thông thường nhiệt độ bảo quản vắc xin từ 20C đến 80C (ngăn mát tủ lạnh). Trong quá trình vận chuyển phải bảo quản vắc xin trong hộp xốp có đá lạnh. Nắp của thùng phải luôn được đóng chặt để tránh ánh sáng chiếu vào lọ vắc xin. Không được để vắc xin tiếp xúc trực tiếp với đá.

+ Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từng loại vắc xin trước khi dùng.

+ Chỉ tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh trong diện tiêm phòng: độ tuổi tiêm phòng, gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ,...; Không tiêm cho gia súc, gia cầm ốm, sốt hoặc nghi ốm.

+ Kiểm tra hạn sử dụng của vắc xin; kiểm tra chủng loại vắc xin có đúng nhu cầu sử dụng không; kiểm tra số lô, số liều trong một lọ; không dùng lọ vắc xin có hiện tượng tách pha nước hoặc bị nứt, vỡ.

+ Lắc kỹ chai vắc xin trước khi sử dụng và sau khi pha. Vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không được quá lạnh, đảm bảo ở nhiệt độ phòng khoảng 250C. Lọ vắc xin sau khi mở nắp hoạc sau khi pha nên dùng hết trong vòng 1 - 2 giờ để vắc xin đạt hiệu quả cao.

+ Chỉ pha vắc xin bằng dung dịch cấp phát kèm theo cho từng loại vắc xin của nhà sản xuất.

+ Khi tiêm cùng một lúc nhiều loại vắc xin thì không nên trộn lẫn vào nhau hoặc tiêm ở cùng một vị trí mà phải tiêm ở những vị trí khác nhau.

+ Kiểm tra chất lượng bơm kim tiêm bảo đảm pít-tông bơm tiêm phải khít và bơm thoải mái trong gioăng và không để thuốc, vắc xin lọt ra hai bên; kim tiêm phải sắc, thẳng bảo đảm khi tiêm chỉ làm rách da ít nhất. Dụng cụ tiêm phòng (bơm, kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng; không dùng các loại hóa chất để sát trùng bơm, kim tiêm.

Trong quá trình tiêm phòng

+ Thao tác đúng kỹ thuật, đúng đường tiêm, thao tác nhẹ nhàng tránh gây stress co con vật đặc biệt là động vật mang thai để tránh gây sảy thai.

+ Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vắc xin (nhất là vắc xin sống nhược độc).

Sau khi tiêm phòng

+ Theo dõi tình trạng sức khỏ của đàn vật nuôi sau khi tiêm phòng trong vài giờ liền, nếu: 

Có phản ứng cục bộ tại chổ tiêm là sưng, nóng, đau… thì sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây apxe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.

Có thể có phản ứng dị ứng (phản ứng xảy ra nhanh sau khi tiêm). Vật nuôi thể hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở lợn). Khi có hiện tượng dị ứng nặng nên sử dụng các loại thuốc chống Histamin như: Dimadron, Epharin, Phenergan, Adrenalin để tiêm cho con vật.

+ Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm sau thời gian tiêm phòng để đảm bảo vật nuôi có sức khỏe tốt, tăng hiệu quả đáp ứng miễn dịch của cơ thể.