Cam sành rớt giá và bài học sản xuất theo trào lưu

Cam sành rớt giá và bài học sản xuất theo trào lưu
Sốt giá, dân ồ ạt trồng, sản phẩm dư thừa, lại rớt giá và chặt, trồng cây khác... Vòng xoáy sản xuất nông sản theo trào lưu tưởng như rất cũ, nhưng vẫn luôn mới...

Câu chuyện cũ nhưng luôn mới

Thời gian qua, cam sành được trồng ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng như hầu hết các tỉnh ĐBSCL nói chung rớt giá thê thảm, từ khoảng 12.000 đồng/kg trước Tết Quý Mão xuống chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg mà vẫn không có nhiều người mua.

Các nhà vườn trồng cam buồn đến não ruột vì cầm chắc thua lỗ. Chứng kiến tình cảnh này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường khi trả lời báo chí đã khẳng định: “Đây là hậu quả của sự phát triển ồ ạt, khi giá đắt thì đua nhau trồng, không theo quy hoạch của cơ quan chức năng, dẫn đến khủng hoảng thừa”.

Trồng cam sành

Những năm gần đây, diện tích cây cam sành đã liên tục được mở rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực ra, không riêng cam sành rơi vào tình cảnh rớt giá như hiện tại, và cộng đồng đang kêu gọi “giải cứu” để hỗ trợ bớt khó khăn cho nông dân. Trước đây ở nước ta cũng đã từng xẩy ra rất nhiều sự vụ khi mà trái cây rơi vào tình trạng khủng khoảng thừa khiến nông dân “méo mặt”. Có thể kể tới trái thanh long, mít Thái…, và một số cây trồng khác như tiêu, điều, cà phê…

Quay ngược lại thời gian cách đây chừng 5 - 7 năm, khi mà lúc đó cam sành rất được giá, nguồn cung luôn không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá cam sành thành phẩm có lúc lên tới 30, thậm chí 40.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán. Trước việc cam được giá như vậy, và nhiều nông dân nghĩ sẽ làm giàu được nhờ loại cây trồng này nên họ không suy nghĩ và lao vào đầu tư để trồng cam.

Diện tích cây cam sành nói riêng, cây cam nói chung được mở rộng không ngừng, không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, mà nhiều tỉnh thành phía Bắc của nước ta như Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang… nông dân cũng ồ ạt đưa cây cam vào trồng thay thế một số cây trồng cho giá trị kinh tế thấp.

Trồng cam sành

Khi diện tích còn ít, cam sành mang lại thu nhập rất cao cho nông dân, nhưng đã trở thành gánh nặng cho bà con khi diện tích bị mở rộng ồ ạt.

Sau từ 3 đến 5 năm, khi cây cam phát triển và bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng cam theo đó đã không ngừng tăng. Và một khi loại trái cây này không rộng cửa xuất khẩu được mà chỉ tiêu dùng trong nước thì sẽ không thể hết được, và việc đầu ra của trái cam bị khủng hoảng thừa, dẫn tới rớt giá thảm như hiện tại là khó lòng tránh khỏi.

Lời cảnh báo cho cây sầu riêng

Trở lại với cây hồ tiêu cũng vậy. Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây gần chục năm, giá loại nông sản này cao đến mức chính người trồng tiêu cũng không thể ngờ tới họ lại có thể giàu lên nhanh chóng nhờ cây hồ tiêu đến như vậy, khi mà 1kg tiêu có mức giá lên tới hơn 200.000 đồng. Nhiều hộ dân ở các tỉnh như Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… thấy vậy đã ồ ạt chặt phá các loại cây trồng khác như điều, cao su, cây keo… để chuyển qua trồng tiêu.

Trồng cam sành

Cây hồ tiêu từng một thời "làm mưa làm gió", nhưng rồi không ít nông dân cũng tán gia bại sản vì cây trồng này.

Diện tích hồ tiêu vì thế tăng nhanh đến chóng mặt trong chỉ vài năm. Khi diện tích cây hồ tiêu mở rộng bắt đầu cho thu hái thì cũng là lúc giá tiêu bắt đầu “rớt không phanh”, và những năm gần đây bị trượt dài, giảm sâu xuống mức chỉ còn xoay quanh 40.000 đồng/kg - mức giá bị xem là không có lãi, thậm chí là thua lỗ, khiến cho người trồng tiêu chán nản, không ít nơi nông dân điêu đứng, rơi vào cảnh tán gia bại sản vì trót đầu tư trồng tiêu nhưng thiệt hại do tiêu chết vì sâu bệnh.

Hay như cách đây hơn chục năm, khi một thời cà phê có giá ở "đỉnh chóp", tại nhiều tỉnh ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, cây cà phê "làm mưa làm gió", người dân cũng đua nhau trồng để rồi khi cà phê rớt giá, họ lại chặt phá diện tích không hề nhỏ để chuyển qua cây trồng khác mà họ xem là cho giá trị kinh tế cao hơn...

Kể ra chuyện cây cà phê, cây tiêu... từng xẩy ra trong quá khứ, cũng như nhiều loại cây ăn trái khác luôn bị xoáy vào vòng luẩn quẩn rớt giá để thấy rằng, dấu hiệu "báo động" của việc sầu riêng rớt giá trong tương lai là khó tránh khỏi, nếu như phương hướng tìm bạn hàng tiêu thụ xuất khẩu cho loại trái cây này không sớm được hoạch định và duy trì đầu ra ổn định trong tương lai!

Trồng cam sành

Hiện nay, sầu riêng đang là cây trồng "hot", được nông dân rất hồ hởi mở rộng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về sau nếu không song hành với việc tổ chức tiêu thụ chặt chẽ, bền vững.

Vẫn biết rằng, trong những năm gần đây và cả hiện tại, trái sầu riêng đang cực kỳ "thịnh vượng" do được người tiêu dùng ưa chuộng, được giá, và diện tích trồng sầu riêng cũng đã, đang được nhân lên ở hầu khắp các tỉnh/thành phố. Thế nhưng, với nông dân có ý định, hoặc chuẩn bị bắt tay vào trồng sầu riêng cũng cần phải suy nghĩ, định hướng cẩn thận, bởi bài học về cây cam sành hiện tại, hay tiêu, cà phê, trái thanh long… trong quá khứ vẫn chưa hề cũ.

Việc nông dân trồng cây ăn trái, và nhiều loại cây trồng khác theo kiểu trào lưu, nghĩa là thấy loại cây ăn trái này, mặt hàng nông sản kia… đang đắt giá mà lao theo là rất nguy hiểm, bởi nó cũng giống như ở ngoài chợ, có một hàng bán thì đắt, nhưng khi có thêm nhiều người bán cùng một loại mặt hàng đó thì chắc chắn sức tiêu thụ ắt sẽ giảm, thậm chí ế ẩm...

Vì vậy, để tránh tình trạng sản phẩm rớt giá khi “cung” vượt “cầu” thì ngoài việc lắng nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng ra, nông dân phải kiên định với loại cây ăn trái, cây trồng mà mình đã định hướng, đừng chạy theo trào lưu, để không phải rơi vào thảm cảnh trồng - rớt giá - chặt phá...