Cao lương ít tannin trong thức ăn chăn nuôi heo
Không tannin cô đặc
Dù có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng lúa miến là cây trồng chính ở Mỹ và hoàn toàn khác biệt các giống lúa miến lai thương mại khác trên toàn thế giới. Lúa miến Mỹ là loại lúa miến duy nhất có hàm lượng tannin đạt tiêu chuẩn thỏa thuận giữa các đơn vị trong ngành nông nghiệp Mỹ, gồm các công ty di truyền hạt giống. Thỏa thuận này được đưa ra từ cuối thập niên 1990. Kể từ đó, các công ty di truyền hạt giống ở Mỹ đã nỗ lực tìm cách loại bỏ tannin khỏi lúa miến thông qua các phương pháp di truyền truyền thống. Lúa miến Mỹ không phải là lúa miến GMO (biến đổi gen). Nói cách khác, Mỹ không trồng lúa miến GMO, một đặc điểm khác biệt với các loại ngũ cốc thông thường.
Lúa miến Mỹ vẫn có thành phần tannin nhưng hàm lượng thấp đến mức không gây tác dụng phụ khi được sử dụng làm nguyên liệu thay thế các loại ngũ cốc khác trong TĂCN heo.
Các kết quả nghiên cứu về nồng độ tannin trong lúa miến Mỹ đều dưới mức ngưỡng. Báo cáo chất lượng lúa miến Mỹ năm 2021 - 2022 của Hội đồng Ngũ cốc Mỹ chỉ ra rằng, mức độ tannin trong tất cả 97 mẫu đều thấp hơn ngưỡng quy định 4,0 mg/g CE, gần như không có tannin cô đặc. Ngược lại, nhiều giống lúa miến lai có hàm lượng tannin vượt 8 mg/g CE.
Thực tế, một số tannin có hoạt tính ôxy hóa mạnh không thể thiếu trong dinh dưỡng chăn nuôi hiện đại. Tuy nhiên, tannin cô đặc lại là một thành phần “không mong muốn” vì chúng gây kết tủa protein và làm giảm khả năng tiêu hóa, hấp thụ axit amin.
Tannin thủy phân với đặc tính chống ôxy hóa vẫn tồn tại trong vỏ hạt lúa miến, nhưng tannin cô đặc đã được loại bỏ gần như hoàn toàn. Do đó, tannin thủy phân trong vỏ lúa miến lại giúp tăng cường hoạt động chống ôxy hóa và không cản trở khả năng tiêu hóa protein.
Nguồn thức ăn cho heo
Nghiên cứu về việc sử dụng lúa miến Mỹ làm TĂCN heo đã có từ vài thập kỷ trước. Đại học bang Kansas là đơn vị đi đầu trong những nghiên cứu này. Giữa những năm 90 khi lúa miến Mỹ còn chưa được cải tiến di truyền và chứa nhiều tannin cô đặc, Đại học bang Kansas đã nghiên cứu về loại cây này và chỉ ra giá trị dinh dưỡng của lúa miến tương đương 90 - 95% so với ngô.
Gần đây, các giống lúa miến được cải tiến và có hàm lượng tannin thấp hơn nên giá trị dinh dưỡng đã tăng lên 95 - 105% so với ngô. Điều này khẳng định, lúa miến Mỹ có thể thay thế ngô và hoàn toàn có thể trở thành thành phần ngũ cốc duy nhất trong khẩu phần ăn của heo.
Hiện, lúa miến không chỉ được quan tâm tại Mỹ, mà cũng đang thu hút nhiều hãng sản xuất TĂCN tại châu Âu, Mỹ Latinh và châu Á. Thông qua Chương trình kiểm tra lúa miến Mỹ, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã tiến hành thử nghiệm về loại ngũ cốc này tại các trại nuôi heo thương mại ở châu Âu, dự kiến sẽ có kết quả vào quý II/2023. Thử nghiệm này nhằm mục đích tìm ra cách xử lý lúa miến Mỹ từ cảng xuất khẩu đến khi được chế biến tại trang trại đích. Lúa miến có thể dùng riêng hoặc kết hợp các ngũ cốc khác trong khẩu phần ăn của heo. Các chuyên gia khuyến cáo, việc thử nghiệm bất kỳ nguyên liệu thô mới nào ở trang trại đều đòi hỏi phải chú ý đến đặc tính riêng của từng sản phẩm.