Cấp phép thêm một loại vacxin Dịch tả lợn Châu Phi

Cấp phép thêm một loại vacxin Dịch tả lợn Châu Phi
Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long thông báo, Cục vừa tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTNT cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin AVAC ASF LIVE của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam.

Điểm sáng vacxin

Trong báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh vào điểm sáng của Cục thú y là cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC cho Công ty Navetco, và tổ chức Lễ công bố vacxin Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào ngày 3/6/2022.

Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra tình hình phát triển đàn gia cầm tại Bắc Giang hồi cuối tháng 6/2022.

Vào ngày 6/7, Cục Thú y tổ chức họp với các tỉnh, các doanh nghiệp về sử dụng 600.000 liều vacxin NAVET-ASFVAC từ tháng 7/2022. 

Trong không khí phấn khởi của hội nghị sơ kết, Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long thông báo, vừa qua Cục đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT về việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin AVAC ASF LIVE (vacxin DTLCP nhược độc, đông khô) của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vacxin và kiểm nghiệm 3 lô vacxin DTLCP của Công ty Dabaco.

Về vacxin cúm gia cầm, hệ thống thú y đã cung ứng 261,5 triệu liều; đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 68,8 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 160 triệu liều. Với vacxin lở mồm long móng, số liều cung ứng là 22,6 triệu; trong đó đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 10 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 11 triệu liều.

Vacxin Tai xanh, tổng lượng cung ứng 17 triệu liều; đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 7 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 9 triệu liều. Vacxin viêm da nổi cục, tổng cung ứng 1,5 triệu liều; đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 861,780 liều và kế hoạch nhập quý III là 1 triệu liều. Vacxin Dại, cung ứng 6 triệu liều; đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 2,1 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 01 triệu liều.

Bên cạnh điểm sáng vacxin, Cục Thú y còn chủ động phối hợp các Chi cục vùng, địa phương kiểm soát động vật xuất khẩu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng thủy sản xuất khẩu tăng 150% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá cảnh đạt 11.127.663 con, tăng 58,17% so với cùng kỳ 2021; xuất khẩu tôm thẻ chân trắng giống (giai đoạn Post Larvae) gấp 1,67 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt 15.154.766 con.

Sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng gấp 2,13 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 215.194,28 tấn. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, gấp 8,5 lần; sản phẩm từ yến đạt 131,45 tấn, tăng gấp 2,17 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Về sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu: Hàng gia công chế biến thực phẩm nhập 15.134,47 tấn, giảm 46,6 % so với cùng kỳ năm 2021; thức ăn chăn nuôi thành phẩm đạt 13.739,8 tấn, giảm 39,12% so với cùng kỳ năm 2021, sữa và sản phẩm sữa đạt 84.596,74 tấn, giảm 50,22%.

Đánh giá về công tác thú y trong đóng góp vào thành tích chung của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống thú y góp phần kiểm soát dịch bệnh, phát triển ổn định, bền vững đàn vật nuôi trên cả nước. 

"Khối chăn nuôi và thủy sản hiện chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Muốn thủy sản và chăn nuôi phát triển, công tác thú y luôn là biện pháp hàng đầu, là lá chắn trước dịch bệnh cho đàn vật nuôi", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long

Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2022.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Cục Thú y, Q. Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, lĩnh vực thú y đã có chủ động, phối hợp triển khai các hoạt động nhằm phòng, chống dịch bệnh với đàn vật nuôi, góp phần quan trọng vào thành tích xuất khẩu nông lâm thủy sản 27,88 tỷ USD của toàn ngành trong nửa đầu năm.

Về công tác giám sát, cảnh báo dịch bệnh, Cục Thú y chủ trì, phối hợp các tổ chức thực hiện giám sát virus cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống tại 33 tỉnh, thành phố. Đồng thời, giám sát virus H7N9 tại một số tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Cao Bằng. Kết quả, Cục lấy 1.763 mẫu gộp, gửi 1.866 mẫu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ.

Về dịch bệnh gia súc, gia cầm, cả nước xảy ra 22 ổ dịch cúm gia cầm tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện cả nước còn 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Thái Bình và Bắc Ninh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 4 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,1 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,3 lần.

Cả nước xảy ra 753 ổ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch DTLCP giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần.

Cả nước có 5 huyện của 4 tỉnh, thành phố xảy ra dịch lở mồm long móng. Tổng số gia súc mắc bệnh là 77 con. Hiện nay, cả nước có 4 ổ dịch tại Đồng Tháp chưa qua 21 ngày, số mắc bệnh là 37 con gia súc, số chết và tiêu hủy là 01 con. So với cùng kỳ năm 2021, số xã có dịch giảm gần 11,7 lần, số gia súc mắc bệnh giảm gần 43,5 lần.

Cả nước xảy ra 206 ổ dịch viêm da nổi cục của 47 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.116 con, tổng số gia súc tiêu hủy là 394 con. Hiện cả nước có 12 ổ dịch tại 7 tỉnh chưa qua 21 ngày; số gia súc mắc bệnh là 55 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 12 con. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 14,3 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 68,9 lần và số gia súc tiêu hủy giảm 54,7 lần. 

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, không có báo cáo ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước xảy ra 15 trường hợp người tử vong do bệnh Dại, giảm 18 trường hợp tại 09 tỉnh, thành phố. Tổng số người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng là 44.822 người, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh Dại trên chó, mèo xảy ra và phát hiện 50 trường hợp chó, mèo có dương tính với virus Dại (tăng 14 trường hợp) tại 10 tỉnh.

Lũy kế cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.052 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 146 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thú y đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cho 10 vùng cấp huyện của TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tầu và Bình Phước.

Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long

Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tác lĩnh vực thú y 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Lưu ý dịch bệnh trên thủy sản

Theo Q. Cục trưởng Nguyễn Văn Long, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 14.807 ha, tăng gấp 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2021; ngoài ra có khoảng 1.019 bè, vèo, bể nuôi thủy sản bị thiệt hại, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2021 

Về dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, bệnh đốm trắng xảy ra ở phạm vi rộng hơn 28,6% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 59,4%; bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra ở phạm vi rộng hơn 4,5% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 5,5%; 

Về dịch bệnh trên cá tra, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 49 xã của 16 huyện của tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, với tổng diện tích bị bệnh là 245,62 ha. Một số bệnh chủ yếu thường gặp là: bệnh xuất huyết 90,5 ha; bệnh gan thận mủ: 100 ha; bệnh do ký sinh trùng: 28,3 ha. 8 - So với cùng kỳ năm 2021, phạm vi cá tra bị mắc bệnh tăng gấp hơn 2 lần nhưng diện tích cá tra bị mắc bệnh giảm khoảng 15%.

Cục Thú y phối hợp các đơn vị xây dựng 24 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 21 cơ sở sản xuất tôm (20 cơ sở sản xuất tôm giống, 1 cơ sở nuôi tôm thương phẩm) và 3 cơ sở sản xuất cá cảnh.

Ngoài diễn biến thời tiết cực đoan, Q. Cục trưởng Nguyễn Văn Long cũng chỉ rõ một số khó khăn của lĩnh vực thú y lúc này. Đó là: Việc tuyên truyền, cập nhật thông tin và các văn bản chỉ đạo về công tác thú y ở địa phương còn chậm; đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã chưa chủ động lập kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh.

Một lưu ý nữa, là công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các cơ sở sản xuất động vật thủy sản sử dụng làm giống, đặc biệt là giống tôm nước lợ, chưa được địa phương và cơ sở nuôi quan tâm đúng mức.

Hiện cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung và gần 23.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó gần 35% số cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và chỉ có hơn 15% số cơ sở đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y. So với năm 2015, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước giảm khoảng 6.300 cơ sở (giảm hơn 20%). Việt Nam có 38 địa phương (chiếm 60,32 %) đã ban hành Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung.