Chăm sóc bê con sau cai sữa

Chăm sóc bê con sau cai sữa
Bê rất nhạy cảm sau khi bị cắt sữa mẹ hoàn toàn và phải tự nâng cao sức đề kháng để có thể tự phát triển. Vì thế cần kỹ thuật chăm sóc bê con phù hợp sau khi cai sữa.

Chế độ dinh dưỡng

7 - 12 tháng tuổi là giai đoạn khủng hoảng dinh dưỡng của bê vì nguồn sữa mẹ bị cắt hoàn toàn, khả năng tận dụng thức ăn thô xanh của bê còn hạn chế do khu hệ vi sinh vật dạ cỏ phát triển chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, giai đoạn này cần cung cấp cho bê thức ăn đủ về số lượng và chất lượng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của stress và tạo điều kiện cho bê phát triển tốt trong giai đoạn sau.

Trong thời kỳ này bê có thể sử dụng được thức ăn thô xanh, nên tốt nhất là chăn thả trên bãi chăn, đồng cỏ. Việc chăn thả như vậy giúp khai thác tối ưu đồng cỏ và giúp bê có điều kiện tốt để vận động và phát triển cơ thể. Khẩu phần cỏ xanh hàng ngày của bê cần đảm bảo đủ 15 kg/con/ngày (lúc đạt 7 tháng tuổi), 20 kg khi 12 tháng tuổi, lượng thức ăn tinh 1 - 2 kg/con/ngày.

Với điều kiện nuôi dưỡng như vậy nếu thấy bê không tăng trọng hoặc tăng trọng chậm, lông xù xì cần tiến hành kiểm tra phân để tìm trứng giun sán. Trường hợp có giun sán, tiến hành tẩy. Nếu không có giun sán thì tăng thêm 0,5 - 1 kg rỉ mật hoặc bột sắn.

Quản lý

Phân đàn: Dựa vào độ tuổi, thể trọng, tình hình sức khỏe và tính biệt (phải nuôi tách riêng bê đực và bê cái).

Vận động: Nếu bê nuôi nhốt thì hàng ngày phải cho vận động trong thời gian 4 - 6 giờ. Trong thời gian này kết hợp cho bê ăn cỏ khô và các thức ăn khô khác ngay trên bãi vận động.

Huấn luyện: Bê đực làm giống tập cho nhảy giá và phối giống.

Phòng bệnh

Ngoài việc tiêm phòng cần quét dọn hàng ngày để nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Sát khuẩn chuồng trại định kỳ bằng Bencozid, Cloramin 3 - 5%.

- Sau mỗi đợt nuôi dùng nước vôi 20% quét toàn bộ khu vực chuồng nuôi.

- Cung cấp đầy đủ thức ăn theo tiêu chuẩn cho từng giai đoạn sinh trưởng.

- Nước uống đủ và sạch.

- Tiêm phòng vaccine bắt buộc định kỳ 2 lần/năm. Đối với bệnh lở mồm long móng tụ huyết trùng: Lần 1 vào tháng 2 - 3 hàng năm sau 6 tháng tiêm nhắc lại lần 2.

- Phòng bệnh sán lá gan: Dùng Dertyl B Fascioranida hoặc Nitrolin tẩy giun sán hoặc tiêm dưới da 1 ml/25 kg thể trọng.

- Bệnh ghẻ rận, dùng BKA để điều trị.

Thường xuyên theo dõi, chăm sóc để phát hiện dấu hiệu bò bị bệnh đầu tiên nhằm có những biện pháp điều trị kịp thời. Luôn có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy nên chủ động thực hiện đầy đủ pháp lệnh thú y và quy trình phòng dịch bệnh cho đàn bê. Tốt nhất nên định kỳ lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá môi trường chăn nuôi, tình hình mầm bệnh để sớm có biện pháp tiêu diệt, khử trùng, thanh toán mầm bệnh không cho chúng xâm nhập vào đàn bê.

Tiêu diệt các nhân tố trung gian truyền bệnh: Đối với những bệnh truyền nhiễm có thể lây lan rất nhanh từ con ốm sang con khỏe qua các nhân tố trung gian thông qua trực tiếp hoặc gián tiếp, vì vậy phải tiêu diệt hoặc hạn chế nguồn bệnh gieo rắc ra bên ngoài. Để làm được việc đó, người chăn nuôi phải phát hiện sớm, chủ động và tích cực, cách ly triệt để những con bệnh xa hẳn những con khỏe, đồng thời kết hợp điều trị trực tiếp những con bị bệnh và điều trị dự phòng những con vật có khả năng lây bệnh. Đối với các nhân tố trung gian truyền bệnh, cần phải cắt đứt đường truyền bệnh bằng cách xóa bỏ các nhân tố trung gian như vệ sinh thức ăn, nước uống, vệ sinh chuồng trại, thân thể bê và cuối cùng là phải thực hiện tiêu độc, tiêu diệt côn trùng, chuột...