Chăn nuôi áp dụng công nghệ cao
Hiểu về chăn nuôi công nghệ cao
Có thể nói chăn nuôi thâm canh, tập trung là giai đoạn đầu của chăn nuôi công nghệ cao vì đã bắt đầu áp dụng các công nghệ tiên tiến như ứng dụng công nghệ thông tin, bán tự động hóa, công nghệ sinh học... Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra, nhiều công nghệ mới tiếp tục được áp dụng trong các trang trại chăn nuôi như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), big data… Thông qua áp dụng công nghệ hiện đại đã biến quá trình chăn nuôi truyền thống (dựa vào tay chân là chính) thành chăn nuôi tự động hóa (chủ yếu dựa vào phần mềm, máy máy móc thiết bị), đó là khái niệm chăn nuôi công nghệ cao.
Ngoài tiêu chí công nghệ mới, khái niệm chăn nuôi công nghệ cao còn gắn với quy mô và mật độ nuôi. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg quy định cụ thể quy mô chăn nuôi công nghệ cao như sau: Giống thủy sản diện tích tối thiểu là 20 ha; Thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha; Nuôi bò sữa số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; Bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm; Chăn nuôi heo thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm; Heo nái tối thiểu 2.000 con/năm; Chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa...
Nỗ lực của ngành chăn nuôi nước ta
Dù là một nước nông nghiệp nhưng việc ứng công nghệ cao tại nước ta vẫn đi sau các nước. Thực chất, chăn nuôi công nghệ cao mới phát triển trong 5 năm trở lại đây, áp dụng trong một số lĩnh vực như: Chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y, bán tự động khâu nuôi dưỡng chăm sóc đàn vật nuôi…
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao như: Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí của chăn nuôi công nghệ cao; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra gói tài chính 100.000 tỷ đồng (4,37 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao hoạt động hiệu quả.
Hiện, chưa có thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô đàn gia súc, gia cầm áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, tuy nhiên với sự cố gắng, nỗ lực của nhiều phía, đến nay Việt Nam có 12 vùng được chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao. Cả nước có tổng cộng 39 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp lớn ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao như: TH True Milk, Vinamilk, Masan, Dabaco... Ngoài những công ty lớn, có tên tuổi trên, hiện Việt Nam có khoảng trên 500 công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng một số công đoạn của công nghệ cao bước đầu thu được kết quả tích cực.
So với các doanh nghiệp trong nước, các công ty có vốn nước ngoài đang là các doanh nghiệp tiên phong và chiếm tỷ lệ áp đảo trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao tại nước ta, điển hình là Tập đoàn CP, De Heus, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam…
5 lợi ích nổi bật
Mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ năng suất cao, tạo ra sản lượng sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng và với giá thành thấp nhất. Tăng lợi nhuận của doanh nghiệp đồng nghĩa với tăng thuế, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia.
Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm vì sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng yêu cầu về nguồn cung cũng như chất lượng theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra chăn nuôi công nghệ cao tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm liên quan tại địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp) có thể làm đầu vào cho chăn nuôi của doanh nghiệp.
Hạn chế lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.
Đóng góp tích cực cho xã hội, dân cư vì chăn nuôi công nghệ cao tạo ra khối lượng sản phẩm lớn hơn nhiều so với chăn nuôi truyền thống, mặt khác giá thành sản phẩm lại rẻ hơn nên đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, chăn nuôi công nghệ cao còn tạo thêm công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương do biết khai thác các thị trường ngách có giá trị gia tăng mới.
Quy trình chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, do đó người nuôi có thể chủ động điều tiết tất cả khâu đầu vào và đầu ra của sản phẩm, qua đó tối ưu hóa vật tư, thiết bị và nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
4 cơ hội lớn
Chăn nuôi công nghệ cao là xu thế tất yếu, điều này xuất phát từ thực tế nội tại của ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hiện nay, năng suất chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 15% so với Singapore và khoảng 25% so với bình quân thế giới. Ngược lại, giá thành sản xuất lại cao hơn thế giới 30 - 40%. Ví dụ chi phí sản xuất 1 kg thịt gà ở Ấn Độ là 1,1 USD, Malaysia là 1,15 USD, Việt Nam 1,4 - 1,5 USD. Xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế là khó tránh khỏi, ngoài cạnh tranh về giá, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp rào cản lớn về thuế xuất nhập khẩu, các mặt hàng thịt nhập khẩu sẽ giảm từ 5% xuống 0% trong thời gian tới tạo ra khoảng cách chênh lệch giá giữa sản xuất sản phẩm trong nước so với nhập khẩu ngày càng lớn. Điều này sẽ đe dọa tới ngành chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng đến sinh kế cho trên 5 triệu hộ chăn nuôi. Nếu muốn tồn tại, con đường duy nhất của ngành chăn nuôi nước ta là áp dụng công nghệ cao vào tất cả khâu của quá trình chăn nuôi, thu hoạch và chế biến sản phẩm.
Là một nước nông nghiệp nên Việt Nam luôn coi nông nghiệp, trong đó chăn nuôi là một ngành kinh tế quan trọng, không thể thiếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của quốc gia. Mặc dù, hàng năm khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 15 - 17% vào GDP của cả nước, thấp hơn so với công nghiệp và dịch vụ nhưng 60% lực lượng lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, Chính phủ cam kết luôn ủng hộ, ban hành các chính sách ưu đãi, đồng thời loại bỏ các rào cản giúp ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi công nghệ cao phát triển.
Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.
Chăn nuôi công nghệ cao còn nhiều dư địa để phát triển: GDP tăng nhanh và đều đặn đã giúp tăng số lượng tầng lớp trung lưu, nhiều chủ trang trại đã có đủ nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này. Minh chứng rõ ràng là vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao ngày càng thể hiện rõ trong thời gian qua. Ngoài ra, với lợi thế thị trường tiêu thụ nội địa gần 100 triệu dân, trong đó chủ yếu là tầng lớp lao động có mức thu nhập trung bình và thấp, rất phù hợp để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với giá cả vừa phải. Cộng với lợi thế xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thông qua các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các nước trong thời gian qua là những dư địa lớn giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao.
Hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực chăn nuôi ngày càng phát triển do các nhà đầu tư nước ngoài biết tận dụng cơ hội để khai thác các dư địa sẵn có. Đây là yếu tố quan trọng giúp chăn nuôi công nghệ cao phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
4 thách thức không nhỏ
Khó khăn lớn nhất là chuyển đổi từ nền chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và tự phát sang phương thức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Khoảng 60% trang trại chăn nuôi nước ta có quy nhỏ, do vậy khi áp dụng công nghệ mới sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu nguồn lao động đã qua đào tạo, chủ trang trại thiếu tầm nhìn, không có trình độ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, những rủi ro về thất bại tài chính, sự biến động khó lường của các điều kiện ngoại cảnh, môi trường và thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngần ngại đầu tư công nghệ mới.
Khó khăn thứ hai là về nguồn lao động, do thu nhập tại các cơ sở chăn nuôi thường thấp hơn các ngành khác, đặc biệt là so với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp nên xu hướng bỏ nghề nông diễn ra ở hầu hết khu vực trong cả nước. Mặt khác, tuổi trung bình của nông dân đã tăng đáng kể trong 10 năm qua dẫn tới các doanh nghiệp rất khó tuyển được nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi công nghệ cao.
Thứ ba là tính liên kết trong hệ thống chăn nuôi nước ta còn hạn chế, chưa có hoặc rất ít các tập đoàn tạo ra chuỗi giá trị chăn nuôi hoàn chỉnh các khâu đầu vào như con giống, thức ăn đến các khâu đầu ra như giết mổ, chế biến sản phẩm. Hệ thống dữ liệu chăn nuôi dùng chung hầu như chưa hình thành nên rất khó cho các trang trại áp dụng IoT, big data... Và thứ tư là về chính sách, dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghệ cao, tuy nhiên một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ yêu cầu về quy mô đàn vật nuôi quá lớn so với thực tế, thủ tục vay vốn, đăng ký để hưởng ưu đãi còn phức tạp, chính sách hỗ trợ quỹ đất chưa phù hợp với đặc thù của ngành chăn nuôi, đặc biệt cho chăn nuôi công nghệ cao... Chính vì vậy vai trò của Nhà nước chưa thể hiện rõ ràng trong thời gian vừa qua.
Để chăn nuôi công nghệ cao đảm bảo thành công
Do vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư ban đầu lớn nên để áp dụng chăn nuôi công nghệ cao đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có quyết tâm rất lớn, có tầm nhìn, không ngại khó, không nản trí khi thất bại, có chiến lược huy động nguồn vốn khôn ngoan và hợp lý, có kỹ năng quản lý dòng tiền hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh thất thoát lợi nhuận; Do ứng dụng những công nghệ khoa học mới nhất và thường xuyên cập nhật nên đòi hỏi nhà đầu tư và nguồn lao động cần có kiến thức, am hiểu chuyên môn và đam mê với ngành chăn nuôi; Ngoài những điều kiện trên, để góp phần thành công cho chăn nuôi công nghệ cao, nhà đầu tư cần liên doanh, liên kết, đặc biệt là liên doanh với nước ngoài, tạo chuỗi giá trị tránh tình trạng được mùa mất giá và ngược lại.
Cần coi trọng khâu chế biến và bảo sản phẩm để làm tăng giá trị của sản phẩm, quan tâm đẩy mạnh truyền thông, marketing, tăng mức độ phủ sóng của thương hiệu sản phẩm để hỗ trợ khâu tiêu thụ lượng sản phẩm lớn. Đồng thời, có thể kết hợp xây dựng mô hình chăn nuôi công nghệ cao với du lịch sinh thái làm gia tăng nguồn thu nhập cho doanh nghiệp.