Chăn nuôi: Chuyển mình để thích ứng

Chăn nuôi: Chuyển mình để thích ứng
Vượt qua nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển tốt. Tuy nhiên, 2023 được xem là năm có nhiều thuận lợi lẫn thách thức, buộc ngành phải thích ứng linh hoạt, tìm cơ hội và giải pháp phát triển phù hợp. Nhiều ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và người nông dân chia sẻ để tìm hướng đi thích hợp.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Liên kết sản xuất để phát triển

Ông Nguyễn Trí Công

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai.

Đồng Nai là “thủ phủ” cung cấp thịt heo cho nhiều địa phương. Thời gian qua, giá heo hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi đối mặt với khó khăn “kép”. So với cuối năm 2020, giá TĂCN hiện đã tăng 40%. Giá heo hơi tại địa phương đang ở mức thấp, dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg, trong khi hiện nay, giá TĂCN, vật tư đang neo ở mức rất cao. Trong bối cảnh giá heo hơi tiếp tục giảm sâu và duy trì ở mức thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, ngành chức năng cần có các biện pháp cần thiết để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường để đảm lợi ích cân đối giữa các bên.

Mặc dù thị trường có nhiều khó khăn song đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), có chuỗi cửa hàng bán sản phẩm thịt vẫn có thể tồn tại và phát triển. Chỉ có những doanh nghiệp chưa xây dựng được chuỗi 3F hoàn chỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Chính chuỗi 3F hoàn chỉnh đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bão giá hiện nay, vì chăn nuôi có thể sẽ lỗ nhưng khâu bán sản phẩm cuối cùng đến người tiêu dùng có lợi nhuận rất tốt nên họ vẫn có lãi.

Một khó khăn khác trong thời gian qua là số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ, trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng heo thịt, gà thịt xuất chuồng… Các tập đoàn vốn FDI thường có năng suất cao, vốn lớn, giá thành sản phẩm thấp nhưng chi phí đầu tư về nhân công cao, nguyên liệu vật tư vẫn ở mức cao… Người chăn nuôi trong nước lại có thể tận dụng những thế mạnh này (lao động tại chỗ, tận dụng thức ăn sản xuất nguyên liệu trong nước…) theo đó có thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; Liên kết sản xuất, nếu làm được điều này, ngành chăn nuôi dư sức phát triển.

Ocirc;ng Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Ông Hoàng Tuấn Thành

Ông Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA.

Năm 2023, ngành chăn nuôi sẽ có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu và quy mô. Tổ chức liên kết sản xuất từ con giống - thức ăn - cơ sở chăn nuôi (trang trại và nông hộ) - giết mổ - chế biến - thương mại sản phẩm hình thành và phát triển sang một giai đoạn mới mạnh mẽ hơn. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn do các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA bắt buộc phải mở cửa thị trường đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến. Chính sách mở cửa tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới phát triển tại Việt Nam.

Cùng đó, công nghệ mới trong chuỗi sản xuất chăn nuôi được du nhập vào nước ta cũng sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh. Sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các chính sách, quy định đã và đang phát huy có hiệu quả như: Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo con giống mới, nâng cao năng suất vật nuôi và chủ động được nguồn con giống trong nước.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh phức tạp như Dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm... Nếu không đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học sẽ phát sinh các loại dịch bệnh, kháng kháng sinh sẽ gia tăng, tác động lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình khí hậu cực đoan và vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi. Giá cả nguyên liệu TĂCN tăng cao và hoạt động vận chuyển cung ứng sản phẩm bị tác động mạnh gây biến động lớn về thị trường, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng.

Trong đó, hiệp định thế hệ mới CPTPP, EVFTA… yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư và phát triển chăn nuôi định hướng sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn nên lợi thế cạnh tranh lớn, đồng thời là thách thức lớn đối với cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ, chăn nuôi nông hộ.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nâng cao chất lượng để cạnh tranh

Ông Phạm Ngọc Thạch

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ngành chăn nuôi nước ta trong năm 2023 sẽ có nhiều thuận lợi như: Việt Nam mở cửa du lịch, số lượng người đi du lịch trong nước cũng như khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, đây chính là cơ hội lớn để việc sử dụng động vật, sản phẩm động vật tăng nhanh. Việc mở cửa thị trường cũng giúp các nước hội nhập tiêu thụ lớn, ngành chăn nuôi cũng sẽ có hướng xuất khẩu cao hơn. Bộ NN&PTNT hiện đã và đang có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi như: Chính sách về hỗ trợ giống; Phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; Tái cấu trúc ngành... Bộ NN&PTNT cũng đã và đang tập trung triển khai với các đơn vị chuyên ngành sớm đưa chuyển đổi số vào ngành chăn nuôi để có bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh những thuận lợi, trong năm 2023, ngành chăn nuôi vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ tác động của dịch COVID-19; Ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thị trường tiêu thụ bất ổn, chi phí sản xuất đầu vào tăng… Trong đó, giá TĂCN và thuốc thú y tăng cao vẫn là gánh nặng lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này.

Trước những tác động trên, thị trường cũng sẽ là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất trong năm. Trong nội tại ngành chăn nuôi cũng đang đối mặt với các loại dịch bệnh truyền nhiễm, điều này tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường.

Ngoài ra còn là những thách thức đến từ việc toàn cầu hóa thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng. Sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như CPTPP; EVFTA... Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải nâng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh.

Ông Trần Văn Hoan, Chủ trang trại nuôi heo tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang: Tìm cách hạ giá thành

Ông Trần Văn Hoàn

Ông Trần Văn Hoan, Chủ trang trại nuôi heo tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Tính bình quân giá heo hơi hiện nay là 52.000 - 53.000 đồng/kg, nhưng giá thành trung bình là 60.000 đồng/kg, mức giá này được tính trong trường hợp nuôi bình thường. Như vậy, giá heo hơi đang dưới giá thành ít nhất 5.000 đồng/kg. Mức giá heo hơi như hiện nay cho thấy thị trường không thiếu nguồn cung vì nếu thiếu cung giá heo hơi đã được đẩy lên cao. Với tình hình thị trường heo hơi như hiện nay thì người chăn nuôi như chúng tôi hầu như không có Tết.Để cầm cự và có lãi, người chăn nuôi phải tính toán, tìm cách hạ giá thành chăn nuôi là việc làm cần thiết để bảo đảm sự ổn định cho sản xuất. Người chăn nuôi phải tự học cách phòng chống dịch bệnh, sản xuất con giống…

Do đó, tại trang trại của mình, tôi vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo nái theo quy mô khép kín. Để phòng ngừa dịch bệnh, chuồng trại phải bố trí thoáng đãng và trồng cây che mát để tránh ánh nắng buổi chiều, nền chuồng có độ dốc 2%, cột chuồng có chiều cao tối thiểu 2,5 - 3 m, mái phải dài và cách chuồng 0,8 m để tiện phủ bạt khi mưa gió lùa vào chuồng. Vị trí chuồng phải cách xa giếng, nguồn nước ngầm, xa khu dân cư để tránh bị ô nhiễm môi trường… Heo nái, heo cai sữa và heo thịt phải tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Ngoài ra, gia đình tôi còn liên kết với các doanh nghiệp TĂCN của công ty lớn, do đó không phải mua thức ăn qua đại lý, giảm giá thành sản xuất.

Đó là cách làm mà những trang trại còn vốn để cầm cự, còn một số hộ nuôi heo quy mô nhỏ không thể cầm cự đã phải bỏ trại, bán heo thu hồi vốn. Bên cạnh đó, một số chính sách còn ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của người dân khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn như: Điều kiện thuê đất chăn nuôi, cách sử dụng đất chăn nuôi, quá trình sửa chữa và cải thiện hệ thống chuồng trại… Vì vậy rất cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, Nhà nước để người chăn nuôi có thể tái sản xuất.