Chăn nuôi gia cầm: Nâng tầm vị thế
Ổn định sản xuất
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 8/2022, tổng đàn gia cầm cả nước đạt khoảng 530 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1,35 triệu tấn, sản lượng trứng gần 12,3 tỷ quả. Theo tính toán, những tháng cuối năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng có thể đạt trên 160.000 tấn/tháng và sản lượng trứng ước khoảng 1,53 tỷ quả/tháng.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, theo kế hoạch, năm 2022 ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5 - 6% so năm 2021, trong đó sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%).
Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng tổng đàn thủy cầm lớn thứ 2, sau Trung Quốc. Để duy trì đà tăng trưởng, hiện nay, ngành chức năng phối hợp với các tỉnh phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mật độ phù hợp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Cùng đó là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Cục Chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao và áp dụng phần mềm quản lý giống tiên tiến để đánh giá, chọn tạo giống.
Cục Chăn nuôi cũng thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Trong đó xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm. Lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Đàn gia cầm của nước ta vẫn duy trì tương đối ổn định trong thời gian qua.
Xuất khẩu khả quan
Trong những năm gần đây, ngành gia cầm đạt được những bước tiến toàn diện về cả con giống, quy trình dinh dưỡng, phòng dịch bệnh, từng bước chinh phục thị trường thế giới. Cụ thể, năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành chăn nuôi gia cầm khi lần đầu tiên xuất khẩu được chính ngạch thịt gà chế biến sang Nhật Bản.
Từ bước tiến ngoạn mục đó, xuất khẩu các mặt hàng thịt gia cầm liên tục tăng. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gia cầm đạt 18 triệu USD, năm 2020 con số này tăng thêm khoảng 5%. Năm 2021, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt 2.531 tấn, tăng 36,58% so năm 2020. Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản (năm 2017), Hồng Kông (năm 2019) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (năm 2020 gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
Ngày 30/8/2022, kết luận của Đoàn kiểm tra thú y Nhật Bản (MAFF) khẳng định: Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam) đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y của MAFF để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Theo đó, ngày 25/10/2022, lô hàng gà chế biến đầu tiên của CPV Food với số lượng 33,6 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu thịt gà nói riêng và các sản phẩm gia cầm nói chung của nước ta.
Bàn giải pháp nâng vị thế
Theo nhiều chuyên gia, dù đã gặt hái được một số thành công nhưng ngành chăn nuôi gia cầm nước ta vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm khi đầu ra chủ yếu vẫn loanh quanh thị trường nội địa vẫn chiếm chủ đạo. Sở dĩ như vậy là do chăn nuôi của nước ta phát triển chưa đều, yếu ở các khâu then chốt, chẳng hạn vấn đề con giống, chất lượng chăn nuôi hay kiểm soát chi phí đầu vào… Vì vậy, để có thể vươn ra xa trên thị trường thế giới, ngành gia cầm cần có sự thay đổi mang tính đột phá.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt đối với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay của ngành, qua đó giúp nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi theo chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay trong chăn nuôi gia cầm thì hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất nhiều, vì vậy, để áp dụng khoa học công nghệ cần phải hướng dẫn và định hướng người chăn nuôi lựa chọn các công nghệ phù hợp, hiệu quả đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, để có thể mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu với sản phẩm gia cầm, ngành chăn nuôi còn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: Không phải muốn xuất khẩu thịt gà là làm được ngay mà cần thời gian, đáp ứng nhiều yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn, điều kiện của nước nhập khẩu.
Quan trọng nhất, việc đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh với các dịch bệnh trên gia cầm cũng đang góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thịt gà nói riêng, gia cầm nói chung. Theo Cục Thú y, đến nay, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận 959 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh còn hiệu lực đối với một hoặc nhiều bệnh (cúm gia cầm, Newcastle).
Thêm nữa, ngành gia cầm cần thêm những nhà máy giết mổ đạt chuẩn quốc tế, kho lạnh, quy trình làm lạnh, cấp đông đạt kỹ thuật quốc tế, đồng thời, mở rộng được thị trường thế giới mới có thể khắc phục được tất cả những bất cập để ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều cơ hội phát triển. Vì vậy cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời có các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.