Chăn nuôi những tháng đầu năm nhiều tín hiệu vui
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2024, chăn nuôi heo và gia cầm phát triển tốt; chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm. Tổng số heo của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 02/2024 tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số bò giảm 0,1%; tổng số trâu giảm 2,6%; tổng số gia cầm tăng 2,1%. Chăn nuôi heo và gia cầm phát triển tốt do thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng quy mô đàn. Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả tự nhiên bị thu hẹp, các cánh đồng lúa tăng vụ cũng ảnh hưởng đến quy mô đàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp và hiện vẫn duy trì đà tăng tương đối cao như: đàn heo tăng khoảng 4,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 2,1%. Hiệu ứng truyền thông về chống buôn lậu, đặc biệt là heo ở các tỉnh phía Nam, gia cầm với các tỉnh phía Bắc, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương đã giúp tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì tốt và có cải thiện đáng kể về giá cả.
Trong những tháng đầu năm, thời tiết ở các địa phương phía Bắc dễ phát sinh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Tính đến ngày 23/2/2024, cả nước không còn dịch tai xanh. Dịch lở mồm long móng còn ở Quảng Ngãi; dịch cúm gia cầm còn ở Ninh Bình, Khánh Hòa, Long An; dịch viêm da nổi cục còn ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và dịch tả heo châu Phi còn ở 15 địa phương chưa qua 21 ngày.
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi tháng 2/2024 đạt 34 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung trong 2 tháng đầu năm là 78 triệu USD, tăng 15,1%. Liên quan tới việc phát triển thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn De Heus tập trung cho xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal. Dự kiến đến tháng 5, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng và mỗi tháng có thể xuất khẩu được 1.000 tấn. Đây là dấu mốc rất quan trọng với ngành, đặc biệt là trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Ngày 1/3/2024, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi triển khai bản ghi nhớ này, Việt Nam có thể xuất khẩu được sản phẩm sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi theo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng bệnh an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển, điển hình như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus. Đây chính là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh nhất, góp phần đảm bảo thị trường xuất khẩu nông sản nhất nhì của Việt Nam.