Chăn nuôi quy mô công nghiệp gắn an toàn dịch bệnh
Thu hút doanh nghiệp chăn nuôi
Để tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Đồng thời, gỡ những nút thắt trong chăn nuôi thông qua các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ…
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Cùng với chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, An Giang cũng tập trung chuyển đổi chăn nuôi bò, heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học. Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Xây dựng trang trại nuôi trâu vỗ béo bán thịt được phát triển mạnh ở An Giang.
Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tại tỉnh, gồm: 4 trại heo với 17.000 con; 3 trại gà có quy mô 65.000 con; 2 trại bò với 1.000 con. Hiện Tập đoàn TH đang triển khai xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao TH True Milk tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), sẽ phát triển đàn bò sữa quy mô tập trung 20.000 con, đồng thời mở rộng ra các khu vực xung quanh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, lợi nhuận từ các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so với các mô hình chăn nuôi nông hộ nuôi truyền thống từ 7 - 8%. Điều quan trọng là các mô hình chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý phân thải trong chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ dồi dào, giảm chi phí sản xuất, quản lý dịch hại, tăng thu nhập.
Xây dựng chiến lược phát triển
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã phê duyệt kế hoạch “Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang”, với tổng kinh phí dự kiến gần 60 tỷ đồng.
Theo thống kê bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm đến năm 2025 đạt từ 18 - 20kg thịt hơi các loại, từ 210 - 215 quả trứng.
Theo kế hoạch, mục tiêu của An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa chăn nuôi tỉnh An Giang đạt tầm tiên tiến trong khu vực ĐBSCL vào năm 2030.
Đồng thời nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, số lượng gia súc gia cầm giai đoạn 2021 - 2025, trâu 2.000 con, bò 95.000 con, heo 134.000 con, gà 1,6 triệu con, vịt 3,7 triệu con.
Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn này trung bình từ 3 - 4%/năm và sản lượng thịt hơi các loại đến năm 2025 đạt trên 36.500 tấn, đến năm 2030 đạt đến 45.500 tấn. Sản lượng trứng đến năm 2025 đạt từ 420 triệu quả trứng.
Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm đến năm 2025 đạt từ 18 - 20kg thịt hơi các loại, từ 210 - 215 quả trứng. Còn về tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tại các cơ sở tập trung đạt tương ứng khoảng 80%. Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 5 cơ sở, đến năm 2030 ít nhất 10 cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, hiện địa phương đang đưa ra kế hoạch phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường. Đồng thời, mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai giữa giống cao sản và giống bản địa. Phát triển quy mô đàn heo trên 85% có máu ngoại. Đặc biệt phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp, nuôi gia công và chăn nuôi có kiểm soát.
An Giang cũng tập trung chuyển đổi chăn nuôi bò, heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hầm ủ biogas, nền đệm lót sinh học.
Ngoài ra, An Giang còn khuyến khích tận thu các nguồn phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, công nghiệp phụ phẩm lò mổ, vỏ đầu tôm, đầu xương và mỡ cá tra... từ đó phục lại ngành chăn nuôi để nâng cao giá trị dinh dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm. Song song đó, nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu…
Đến năm 2045, An Giang đặt mục tiêu khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp.