Chăn nuôi toàn cầu năm 2022: Khó khăn vẫn bủa vây

Chăn nuôi toàn cầu năm 2022: Khó khăn vẫn bủa vây

Nút thắt cổ chai tại chuỗi cung ứng toàn cầu do giá nguyên liệu thô và chi phí phụ gia thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành chăn nuôi trong năm 2022 như thế nào? Dưới đây sẽ là 4 thách thức lớn mà ngành chăn nuôi thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2022.

Tắc nghẽn cảng biển

Các quốc gia trên toàn thế giới vẫn đang vật lộn với những thách thức về vận tải và logistics bắt nguồn từ thương mại điện tử tăng vọt do đại dịch, các cơ sở đóng cửa và hàng loạt biến cố càng làm cho tình trạng tìm kiếm lao động có kỹ năng cho nhà máy và cảng biển rơi vào bế tắc.

Tắc nghẽn tại cảng biển và cước phí vận tải tăng phi mã, cụ thể giá của một container đã tăng gấp 3 lần từ năm 2021, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế chăn nuôi và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Nhu cầu sử dụng container vận chuyển tăng vọt 20% vào tháng 8/2021, nhưng với thời gian quay vòng dài hơn 20% - tức là sử dụng nhiều container hơn nhưng lượng hàng hóa vận chuyển được lại không tương đương, theo Reuters.

Tại các cảng biển ở Mỹ, tình trạng hàng hóa ùn ứ đều do thiếu nhân viên bốc xếp, đẩy hàng loạt tàu chở hàng phải neo đậu ngoài khơi và nhiều container đầy hàng nhập khẩu bên trong phải nằm chờ. Hệ lụy, nhiều container phải quay lại châu Á trong tình trạng rỗng, cũng như việc áp đặt các khoản tiền phạt trị giá hàng triệu USD, Cullman cho biết thêm. Ngành công nghiệp TĂCN cũng chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu sản phẩm do tình trạng tắc nghẽn tồi tệ tại các cảng biển. Những vấn đề phát sinh tại cảng biển không chỉ gây ra gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi và thức ăn, mà còn khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc đáp ứng các đơn hàng của khách trong nước và quốc tế đúng hẹn.

Thiếu hụt lao động

Khủng hoảng chuỗi cung ứng vận tải không chỉ xảy ra tại các cảng biển. Vận tải đường sắt cũng điêu đứng vì tình trạng ùn ứ container tại sân ga. Nhiều quốc gia cũng thiếu lái xe tải để vận chuyển sản phẩm hoặc không đủ công nhân để thực hiện những nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất thực phẩm.

Đại dịch đã tác động đến tất cả mắt xích thuộc chuỗi cung ứng chăn nuôi, từ sản xuất đến chế biến và vận chuyển, Thư ký Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết trong một thông báo tháng 10/2021 khi tuyên bố Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ 500 triệu USD để khắc phục hậu quả từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường nông nghiệp như các thách thức vận tải hay thiếu hụt một số nguyên liệu sản xuất nhất định.

Tại Anh, Brexit là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt 100.000 lái xe tải chở hàng nặng, theo báo cáo của Hiệp hội vận tải Anh (RHA). Không chỉ ngành kinh doanh nông nghiệp bị thiếu nguyên liệu thô và thành phẩm, mà ngành bán lẻ và dịch vụ ẩm thực cũng đối mặt khó khăn khi thiếu hàng lạnh gồm thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa, khiến các kệ hàng thịt trong cửa hàng thực phẩm luôn trống trơn và nhà hàng phải thay đổi menu liên tục.

Châu Âu cũng đối diện nguy cơ thiếu hụt khoảng 400.000 lái xe tải.

Bão giá nguyên liệu thô và phụ gia 

Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất TĂCN tổng hợp châu Âu (FEFAC) Asbjorn Borsting cho biết: Gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân dẫn đến giá nguyên liệu thô và phụ gia TĂCN tăng vọt còn lợi nhuận thì giảm sâu. Từ mùa thu 2020, giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng cao kỷ lục 10 năm. Có rất ít dấu hiệu cho thấy, cơn bão giá trên thị trường nguyên liệu TĂCN sẽ suy yếu cho đến mùa xuân 2022.

Giá ngũ cốc luôn ở mức cao kể từ khi chạm kỷ lục vào mùa hè 2021. Hiện, các chuyên gia đang theo dõi sát sản lượng thu hoạch niên vụ 2021 - 2022 và hoạt động gieo trồng của năm 2022 tại các quốc gia dẫn đầu về sản xuất ngũ cốc để đưa ra dự báo. Nếu gián đoạn trên thị trường ngũ cốc toàn cầu còn tiếp diễn, các hãng dinh dưỡng có thể ưu tiên tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô tại địa phương, dẫn đến sự đa dạng hơn về thành phần thức ăn được sử dụng. Guthier nhấn mạnh, nếu những doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi và điều chỉnh công thức thức ăn cho vật nuôi, thì cần phải có một nền tảng và kiến thức phân tích nguyên liệu thô vững chắc. Thức ăn chiếm 75% chi phí sản xuất chăn nuôi, nên giá thức ăn có thể tác động nhanh chóng đến nhà sản xuất và buộc họ phải thay đổi công thức theo những cách có thể ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn và năng suất chăn nuôi.

Bóng ma lạm phát

Vài nhận định cho rằng, chuỗi cung ứng sẽ ổn định vào giữa năm 2022. Tuy nhiên đến nay, các loại chi phí vẫn đang tăng và trở thành một phần gánh nặng của doanh nghiệp. Nhưng gánh nặng này sẽ sớm chuyển sang người tiêu dùng cuối cùng.

Oriol Roige, Giám đốc kỹ thuật Công ty Bioiberica Animal Nutrition cho biết, những tháng tới, chúng ta sẽ trải qua giai đoạn lạm phát nghiêm trọng. Theo CoBank, tháng 8/2021 chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 2% so năm trước đó, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,2%. Tuy nhiên, gần cuối năm 2021 và bước sang năm 2022, người tiêu dùng sẽ phải chứng kiến giá tăng cao hơn do doanh nghiệp phải bù đắp những khoản lỗ này. Lạm phát được đánh giá một triệu chứng tạm thời hoặc “ngắn ngủi” do hậu quả của đại dịch để lại và sẽ ổn định vào năm 2022 nhưng cũng có nguy cơ leo thang dài hạn.

Xu hướng hợp nhất giữa các hãng chăn nuôi sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nhưng điều này lại không có lợi cho người tiêu dùng cuối cùng bởi họ sẽ không còn nhiều sự lựa chọn như trước đây, đặc biệt là khi cung và cầu cân bằng, Dava Taylor, Giám đốc kinh doanh tại thị trường Bắc Mỹ, Borregaard nhận định.

Theo ghi nhận của Dan Kowalski, Phó Chủ tịch Trung tâm của CoBank trong báo cáo quý IV/2021. Tỷ lệ tiêm chủng cao, sự phục hồi nền kinh tế ổn định và nhu cầu tiêu dùng tăng vọt không đủ sức chế ngự những tác động tiêu cực của COVID-19 lên thị trường và thậm chí, theo một cách nào đó đại dịch này còn làm cho tình hình nghiêm trọng hơn khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng cùng tình trạng thiếu hụt lao động vẫn dai dẳng.