Chăn nuôi vịt đang 'nóng' lên
Tăng trưởng đáng chú ý
Thị trường sản phẩm thịt vịt đã ghi nhận tăng trưởng rõ rệt trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), sản xuất thịt vịt đã tăng 54,3% từ 3,1 triệu tấn lên 4,8 triệu tấn trong giai đoạn 2004 - 2020. Trong khi đó, xuất khẩu thịt vịt đã nhảy vọt từ 159.900 tấn lên trên 300.000 tấn từ năm 2003 - 2018.
Từ năm 2000 - 2009, sản lượng thịt vịt của thế giới đã vượt 1 triệu tấn với tỷ lệ tăng trung bình 3,3%/năm. Châu Á vẫn luôn giữ ngôi đầu bảng với thị phần tăng từ 80,3% vào năm 2000 lên 83,5% vào năm 2010, tức là tăng trưởng trung bình 3,8%. Tại châu Á, nổi bật nhất về xuất và nhập khẩu vịt là Trung Quốc. Nhờ lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn, đặc biệt là lao động, các sản phẩm thịt vịt của Trung Quốc luôn rẻ hơn của Thái Lan hay châu Âu. Theo FAO, sản lượng thịt vịt của Trung Quốc đạt gần 3 triệu tấn vào năm 2018 trong khi tổng sản lượng thịt vịt của toàn thế giới là 4,46 triệu tấn.
Tại Philippines, nuôi vịt được đánh giá là mô hình tiềm năng và sinh lời tốt, chủ yếu nhờ sản phẩm trứng. Chăn nuôi vịt của Philippines đạt quy mô lớn thứ 2 trong ngành gia cầm. Tại Đài Loan, chăn nuôi vịt đóng vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp với lượng giết mổ lên đến 35 triệu con vịt mỗi năm và 464 triệu trứng phục vụ xuất khẩu.
Thị trường tăng nhiệt
Theo số liệu của Indexbox, năm 2020, nhập khẩu thịt vịt và ngỗng của thế giới tăng 3,3% so năm 2019, đạt 268.000 tấn, tương ứng 1,1 tỷ USD. Đức và Hồng Kông là 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất với khối lượng nhập khẩu lần lượt là 67.000 tấn và 46.000 tấn. Theo sau là hàng loạt nước châu Âu gồm Pháp 22.000 tấn, Anh 14.000 tấn, Séc 10.000 tấn, Bỉ 9.900 tấn. Tuy nhiên, nói về tốc độ nhập khẩu thịt vịt thì Tây Ban Nha đang dẫn đầu với tỷ lệ cao nhất tới 25%, tiếp đến là Đan Mạch 19% và Bỉ 10%.
Dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thịt vịt và ngỗng vẫn là Trung Quốc với 47.000 tấn, tiếp đến là Hungary 45.000 tấn, Ba Lan 42.000 tấn và Pháp 38.000 tấn, chiếm 66% tổng khối lượng xuất khẩu thịt vịt và ngỗng của toàn cầu. Tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thịt vịt.
Tại Nam Mỹ, Brazil, cường quốc về chăn nuôi gà đang đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất thịt vịt cùng với sự trợ giúp từ Chính phủ. Theo Hiệp hội thịt Brazil (ABPA), Brazil sản xuất 4.120 tấn và xuất khẩu 3.900 tấn thịt vịt trong năm 2020, tăng 26,55% về lượng so năm 2019 và đạt 10,5 triệu USD. Hiện, Ả Rập Saudi và UAE là 2 thị trường tiêu thụ thịt vịt chính của Brazil với khối lượng xuất khẩu lần lượt 1.390 tấn và 1.000 tấn vào năm 2020. Không dừng lại tại 2 thị trường này, các hãng sản xuất thịt vịt tại Brazil sẽ củng cố giá trị thương hiệu gồm tăng độ tin cậy, tính bền vững và chất lượng tốt để nhắm vào các thị trường mới tiềm năng hơn tại châu Á và Trung Đông.
Từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp Chilê và Cơ quan kiểm dịch an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hoàn tất đàm phán về Chứng nhận xuất khẩu thịt gia cầm ướp lạnh và đông lạnh bổ sung thêm thịt vịt. Trước đó, Mỹ xuất khẩu khoảng 40 triệu USD thịt gà công nghiệp và gà tây sang Chilê mỗi năm. Nhưng con số này đã tăng lên sau khi thị trường Chilê mở cửa đón nhận các sản phẩm thịt vịt từ Mỹ. Hiện, tiêu thụ thịt vịt trung bình tại Chilê khoảng 60 tấn/năm, chủ yếu tại các nhà hàng ở Santiago. Bộ Nông nghiệp Chilê cho biết, từ năm 2005, quốc gia này cũng thực hiện một số chương trình thúc đẩy nông dân nuôi vịt phục vụ thị trường ngách tuy nhỏ nhưng tiềm năng.
Theo dự báo của Globaltrademag, tiêu thụ thịt vịt và ngỗng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng kép 1,6% từ năm 2018 - 2025. Tổng sản lượng thịt vịt và ngỗng dự kiến cán mốc 8 triệu tấn vào năm 2025.