Châu Âu đẩy mạnh xu hướng nuôi gà không lồng
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố số liệu thống kê hàng năm về số lượng gà đẻ và hệ thống chăn nuôi đang được sử dụng tại 27 quốc gia thành viên hiện nay của EU (không bao gồm Anh kể từ sau Brexit). Mọi quốc gia này đều có nghĩa vụ chuyển giao dữ liệu quốc gia cho các chuyên gia thống kê trong khối theo khuôn khổ quy định của EC.
Dù các quốc gia chưa thực hiện điều này theo cùng một cách thức và mức độ nghiêm ngặt như nhau nhưng các số liệu cho thấy, ngành gia cầm châu Âu đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, điển hình là sự chuyển đổi hệ thống nuôi để hướng đến phúc lợi động vật và bền vững.
So với năm 2020, ngành gia cầm châu Âu đã xuất hiện nhiều thay đổi quan trọng. Trước tiên, tổng đàn gia cầm đẻ trứng ở châu lục này tăng nhẹ so năm 2020. Năm 2021, khu vực này có 376 triệu con gà đẻ, tăng khoảng 1% so mức 372,4 triệu con vào năm 2020. 6 quốc gia dẫn đầu về sản xuất trứng gia cầm tại EU gồm Đức, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Bỉ.
Trong đó Đức là quốc gia có số lượng gà đẻ lớn nhất 58,1 triệu con với tỷ lệ nuôi thả tự do 22,1% và 13,6% nuôi hữu cơ. Sự gia tăng số lượng gà đẻ chủ yếu được ghi nhận ở Đức (+1,8 triệu con) và Ba Lan (+1 triệu con). Đặc biệt, trong năm nay Bỉ cũng lọt vào danh sách các quốc gia sản xuất gà đẻ trứng hàng đầu châu Âu. Theo thống kê, số lượng gà đẻ tại quốc gia này tăng 0,1 triệu con vào năm 2020.
Một xu hướng quan trọng nữa trong ngành gia cầm châu Âu là tỷ lệ mô hình nuôi gà chuồng lồng đang giảm rõ rệt 2% những năm gần đây. Phần lớn các trang trại này chuyển sang mô hình nuôi thả tự do hoặc nuôi trong chuồng có không gian rộng lớn thay vì chuồng lồng chật hẹp. Theo ước tính của EC, tỷ lệ chuyển đổi mô hình nuôi nói trên tại EU lên tới 3,1% vào năm 2021.
Năm 2018, hơn một nửa số lượng gà đẻ tại châu Âu (50,4%) vẫn được nuôi trong hệ thống chuồng lồng chật hẹp. Nhìn chung, tỷ lệ nuôi gà thả tự do đã tăng lên 1,1% và nuôi hữu cơ tăng 0,4%. Đặc biệt, tại Hà Lan, nhiều trang trại gia cầm đã từ bỏ mô hình chuồng lồng để chuyển sang nuôi gà thả rông. Theo đó, tỷ lệ nuôi gà chuồng lồng tại Hà Lan năm 2002 là 15,2%, giảm xuống 7,8% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ nuôi gà thả tự do tăng 5% và nuôi hữu cơ tăng 2%.
Ngành gia cầm Nam Âu và Bắc Âu cũng có sự khác biệt rõ nét. Hệ thống chăn nuôi gia cầm trong chuồng lồng được xem là mô hình tiêu chuẩn ở Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bungaria. Tỷ lệ chuồng lồng chiếm hơn 50% tại các quốc gia này. Trái lại, mô hình chuồng nuôi có lưới thép Aviary khá phổ biến ở Đức và Hà Lan với tỷ lệ 55%.
Tuy nhiên, các mô hình chuồng lồng chật hẹp chỉ chiếm tỷ lệ 5,5% tại Đức, 7,8% tại Hà Lan, 9,9% tại Đan Mạch và 5,5% tại Thuỵ Điển, trong khi đó mô hình này đã bị cấm hoàn toàn tại Áo.
Tại châu Âu, mô hình nuôi gia cầm hữu cơ bắt đầu được chú ý và nhân rộng. Những năm gần đây, Thuỵ Điển đã tăng tỷ lệ sản phẩm hữu cơ (14,3% gà đẻ hữu cơ), tiếp đến là Đức (13,6% gà đẻ hữu cơ) và Pháp (11,2%). Trong khi ở Đan Mạch, con số này là 33% và ở Áo là 12,9%.
Tại Bỉ, sản phẩm hữu cơ cũng đang tăng lên hàng năm, riêng tỷ lệ gà đẻ trứng hữu cơ chiếm 1,4% tổng đàn gà đẻ. Những nước dẫn đầu xu hướng chăn thả gia cầm tự do sau Brexit là Ireland với tỷ lệ 46,4% tổng đàn gà đẻ, tiếp theo là Pháp với 23%, Áo 28,4%, Đức 22,1% và Hà Lan 22,8% và Bỉ 13,5%.