Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về phát triển mắc ca
Theo Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đến 2030 đưa cây mắc ca đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Bàn chiến lược mới cho cây mắc ca
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Bộ NN-PTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng một Nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.
Thủ tướng cho rằng, rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm. Mắc ca giúp người dân vùng sâu vùng xa xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia rất tốt. Đấy chính là tiền đề để chúng ta có trách nhiệm làm thế nào để những cây trồng có giá trị được quan tâm, đầu tư phát triển.
Theo Thủ tướng phải quy hoạch thật bài bản, chú trọng công tác giống và hình thành chuỗi liên kết sản xuất mà doanh nghiệp làm nòng cốt. Hiệp hội chủ lực và người dân là quan trọng. Từ đó có cái nhìn tổng thể để có tầm nhìn trong quy hoạch, dự báo, đầu tư, chế biến, xuất khẩu...
“Chính phủ biểu dương Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng như các tổ chức, đơn vị địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Tôi đánh giá cao sự say mê và trách nhiệm của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các nhà khoa học”, Thủ tướng nói.
Sau 5 năm phát triển mạnh, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).
Thủ tướng nhắc tới nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại với nông dân ngày 28/9 về vấn đề giống, quy hoạch vùng trồng, diện tích canh tác, vấn đề “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”, thị trường tiêu thụ… "Khi người nông dân bổ một nhát cuốc xuống đất thì phải nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ thế nào". Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân chứ không chỉ quan tâm đến xuất khẩu.
Vấn đề nữa Thủ tướng đặt ra là vốn cho sản xuất, “những ngân hàng nào có trách nhiệm cung ứng vốn, lãi suất phù hợp cho việc trồng cây xóa đói giảm nghèo này”.
Đại diện hộ nông dân trồng mắc ca, các Cty kinh doanh, nhà quản và nhà khoa học phát biểu đều cho rằng mắc ca đang là cây có nhiều ưu thế để mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng so sánh mắc ca đang gấp 5-6 lần so với một số cây trồng chủ lực hiện nay ở Tây Nguyên.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về một nông dân phản ánh mắc ca trồng 7-8 năm nay không có quả, đại diện Hiệp hội mắc ca VN khẳng định, hộ nông dân này chưa phải là hội viên của Hiệp hội nên việc sử dụng cây giống và việc hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chưa đến nơi đến chốn. Phía Hiệp hội khuyến cáo hộ dân này không nên chặt bỏ mà sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông để cắt ghép các dòng giống mới đã được Bộ NN-PTNT cấp phép, chỉ 2-3 năm nữa là có quả.
“Toàn bộ sản phẩm hội viên, kể cả nông dân chưa phải hội viên làm ra được bao nhiêu, Hiệp hội sẽ mua hết. Đối với những hội viên sử dụng đúng giống đã qua kiểm tra chất lượng, được Hiệp hội ký bảo lãnh trong trường hợp cây không có quả, Hiệp hội sẽ bỏ tiền ra đền toàn bộ cho người dân. Tôi sẵn sàng lấy tiền túi của mình ra đền”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca VN cam kết trước Thủ tướng và toàn thể Hội nghị.
Ngồi cạnh tôi trong hội nghị, một nông dân ở huyện KRông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã có 16 năm trồng mắc ca nói, cây cũng như con người. Cùng một điều kiện sống nhưng có nhà khó khăn, có nhà khá giả, có nhà đông con, có nhà hiếm muộn. Vì thế, đừng tuyệt đối hoá sự hoàn hảo. Hãy cứ làm đi, chăm nom nó, cây sẽ không phụ con người đâu.
Tại sao không phát triển nhanh loại cây này?
Đánh giá về việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta có tiềm năng quỹ đất lớn, đặc biệt là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca.
Có thể thấy rằng, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành NN-PTNT.
Thủ tướng khẳng định tiềm năng to lớn của mắc ca nên đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học trả lời cho được câu hỏi tại sao không phát triển nhanh cây này.
Bên cạnh đó, việc phát triển cây mắc ca cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại và thách thức; công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ nông dân đã mang lại thắng lợi bước đầu cho cây mắc ca, trong 5 năm qua đã tăng sản lượng gần 25 lần, đạt khoảng 7.000 tấn hạt, xuất khẩu trên 60%.
Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị. Thủ tướng lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885. Năm 1902, người Pháp chính thức cho khảo nghiệm. Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần có quy hoạch vùng trồng, đi liền với quản lý giống, xử lý vấn đề vốn, đẩy mạnh chế biến sâu… Mắc ca là sản phẩm tốt, cũng là nguyên liệu tốt cho các sản phẩm chế biến sâu khác như nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, socola nhân mắc ca, bột dinh dưỡng… Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân. Phải đi theo hướng này thì mới có giá trị gia tăng cao.
Theo Thủ tướng, 10 năm gần đây, diện tích mắc ca trên thế giới phát triển nhanh nhưng chỉ đạt 450.000 ha, sản lượng 200.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1% tổng sản lượng hạt có dầu hiện nay của toàn cầu. Thủ tướng đặt vấn đề, nếu giữ năng suất 4-5 tấn hạt/ha và giá bán như hiện nay khoảng 6 đô la Australia/kg thì 1 ha cho thu hoạch 200-300 triệu đồng. Do đó, một câu hỏi đặt ra đối với Hiệp hội Mắc ca, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học là tại sao không phát triển nhanh loại cây này.
Thủ tướng nhấn mạnh, giống là yếu tố quyết định. Nhắc lại phản ánh của nông dân về vấn đề giống tại cuộc đối thoại ngày 28/9, Thủ tướng lưu ý, phải quản lý, công bố cụ thể, “đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân”.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.
Chế biến càng sâu càng tốt
Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.
Phải quản lý đồng bộ về vấn đề phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch, Thủ tướng nhất trí, có thể thành lập hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất cho đến chế biến.