Chủ động giám sát cúm gia cầm: Nền tảng phòng chống dịch bệnh
Nhiều kết quả khả quan
Ngày 6/9/2022 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022”. Dự án do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tài trợ.
Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai Dự án “Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam”, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó bao gồm việc hỗ trợ xây dựng Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030; Ðào tạo trên 1.151 lượt cán bộ thú y Trung ương và thú y của 44 tỉnh, thành phố về dịch tễ, giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm, an toàn sinh học, phân tích chuyên sâu và hỗ trợ đào tạo sau đại học...
Trong 5 năm qua, năng lực dịch tễ, giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm cúm gia cầm, cúm heo và bệnh dại được cải tiến đáng kể, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cũng đã triển khai có hiệu quả các Chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm tại 28 tỉnh, thành phố và chương trình giám sát bệnh dại ở động vật tại 8 tỉnh, từ đó cảnh báo sớm, khuyến cáo lựa chọn vaccine phù hợp với từng địa phương, giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, có hiệu quả… Từ đó, nâng cao vai trò, vị thế của ngành thú y Việt Nam trên trường quốc tế, thông qua việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, mẫu virus và hợp tác triển khai phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dại.
Ðặc biệt, đã thống nhất ký Thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Cục Thú y Việt Nam và CDC Mỹ.
Kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, các hoạt động hợp tác nghiên cứu, giám sát trong khuôn khổ Dự án đã nâng cao nhận thức trong việc dự phòng, phát hiện, ứng phó và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người qua đó giúp hiểu rõ hơn về các loại virus. Ngoài hỗ trợ xây dựng Chương trình quốc gia phòng chống dịch bệnh, Dự án đã giúp tăng cường năng lực dịch tễ; Giám sát và xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và bệnh dại; Giám sát chủ động để có cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và hợp tác quốc tế trong việc dự phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm…
Tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm đầy đủ cho đàn gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến khẳng định: Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Những kết quả của Dự án có ý nghĩa quan trọng để chủ động các giải pháp phòng ngừa bệnh cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong thời gian tới. Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh, việc thu thập thông tin một cách thường xuyên và phân tích định kỳ, chia sẻ thông tin giúp phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập, lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây đại dịch.
“Tính từ năm 2014 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người nhiễm cúm gia cầm tử vong. Hợp tác quốc tế là một trong những động lực rất quan trọng góp phần kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm, giúp ngành chăn nuôi tăng trưởng trong hơn 10 năm qua. Từ việc giám sát chúng ta đã có những giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: An toàn sinh học, tiêm phòng vaccine, xử lý ổ dịch và đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực qua đó nâng cao năng lực thú y và nhận thức của người chăn nuôi để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người”, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho biết.
Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong do cúm A/H5N1, SARS, A/H1N1 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 lấy đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Các loại virus cúm gia cầm như: Cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 vẫn tiếp tục gây ốm, chết trên đàn gia cầm, gây tổn thất lớn về kinh tế và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sang con người.
Không có nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ đại dịch cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát các bệnh lây truyền từ động vật sang người là nền tảng giúp chúng ta hiểu hơn về các loại virus, nguồn gốc virus, khi nào loài vật nào bị nhiễm bệnh.
Việc thu thập thông tin một cách thường xuyên, phân tích định kỳ và chia sẻ thông tin sẽ giúp chúng ta có cơ hội phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây đại dịch.
Ông Bryan Kim - Phó Giám đốc quốc gia CDC Mỹ tại Việt Nam