Chưa thể kỳ vọng giá heo hơi 2023 sẽ tăng mạnh dù Trung Quốc mở cửa?

Chưa thể kỳ vọng giá heo hơi 2023 sẽ tăng mạnh dù Trung Quốc mở cửa?
Một số ý kiến cho rằng giá heo hơi khó tăng mạnh ngay cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại do nhu cầu trong nước có thể chưa phục hồi như kỳ vọng. Bên cạnh đó, chỉ các trang trại thương mại với 'mô hình 3F' được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu Trung Quốc mở cửa.

Năm 2022: Giá heo thấp, chi phí tăng cao ăn mòn lợi nhuận của người nuôi

Năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhu cầu thấp trong khi nguồn cung dồi dào khiến giá heo hơi của Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp. 

Trong 6 tháng đầu đầu năm 2022, giá heo hơi duy trình quanh mốc 55.000 đồng/kg, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang tháng 7 và 8, giá heo hơi tăng mạnh khoảng 70.000 đồng/kg nhờ hoạt động bán heo hơi qua sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc siết chặt việc thực hiện chính sách Zero Covid khiến giá heo hơi giảm về mốc 53.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm.

Giá heo hơi 2022

Nhiều người kỳ vọng những tháng cuối năm giá heo hơi sẽ tăng mạnh vì nhu cầu phục vụ cho các dịp lễ Tết cao, thế nhưng điều đó lại không xảy ra.

Lý giải cho điều này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chăn nuôi, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hiện sản xuất trong nước đã khôi phục trong khi sức mua giảm do ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chăn nuôi, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chăn nuôi, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đợt bùng phát dịch tả heo Châu Phi (ASF) chưa được kiểm soát hoàn toàn giữa các trang trại hộ gia đình nhưng điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến tổng nguồn cung. Theo đố, trong năm 2022, số lượng heo chết vì dịch ASF chỉ khoảng 57.000 con. 

Trong khi đó, tiêu thụ thịt heo đang có xu hướng giảm từ. Dữ liệu từ OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của Việt Nam đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022. 

Giá heo hơi chưa thể cải thiện nhưng chi phí nuôi lại tăng cao trong năm 2022, chủ yếu do sự leo thang của giá thức ăn chăn nuôi.  

Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng chưa có giai đoạn nào giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh đến vậy và kéo dài trong suốt 2 năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột địa chính trị và dịch bệnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ở một số quốc gia khiến sản lượng của các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mỳ bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), giá nguyên liệu thô tăng lên, cụ thể giá ngô, lúa mì và đậu tương tăng lần lượt 17%, 60% và 10%. 

Giá các nguyên liệu thô này đã đạt đỉnh vào quý 2 năm 2022, sau đó giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. 

Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt và việc giảm giá đang diễn ra chậm hơn dự kiến. Chi phí thức ăn chăn nuôi thường mất một khoảng thời gian nhất định để giảm, vì các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài, và tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD.

Do đó, chi phí thức ăn đã tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi. 

Chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. 

Với giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg vào năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi. Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-FarmFood) mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các trang trại hộ gia đình nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Lợi nhuận của các trang trại thương mại hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Giá heo hơi năm 2023 vẫn chưa thể tăng mạnh 

Bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về mặt giá thức ăn chăn nuôi. 

Theo ông Dương, vẫn chưa có tín hiệu giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm mạnh mà hiện vẫn cao. 

“Tôi chưa kỳ vọng gì nhiều về thị trường thức ăn chăn nuôi. Tình hình vẫn còn khó khăn, giá nguyên liệu vẫn cao; dù có xuống cũng không đáng kể bởi giá nông sản đã thiết lập ở mặt bằng mới, khó xuống được. Chỉ hy vọng nhỏ là nguồn lúa mì của Ukraine sẽ được nối lại nếu xung đột địa chính trị được kiểm soát”.

Còn về giá heo hơi, ông Dương cho rằng sẽ không tăng quá mạnh chỉ 3 - 5% với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi. 

SSI Research dự báo giá heo hơi sẽ không tăng đột biến trong năm 2023, đạt khoảng 60.000 đồng/kg tăng 10% so với 2022.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc chuẩn bị mở cửa trở lại được cho là sẽ là chất xúc tác, hỗ trợ giá heo hơi trong thời gian tới. 

Chia sẻ với người viết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trước đây, Việt Nam bán heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rất dễ dàng cho đến khi nước này thực hiện Zero Covid. Tuy nhiên, từ mùng 8/1, Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, hoạt động thương mại cư dân biên giới sẽ sôi động trở lại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

“Đây là cơ hội lớn vì giá thịt heo ở Trung Quốc hiện ở mức 74.000 - 78.000 đồng/kg trong khi giá tại Việt Nam khoảng 50.000 - 56.000 đồng/kg. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi”, ông Tiến nói.  

Tuy nhiên, theo SSI Research, chỉ các trang trại thương mại với 'mô hình 3F' được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu điều này được thông qua nhờ đáp ứng được quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.