Cơ hội cho hàng tiêu dùng Việt thâm nhập chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới
Sáng 12/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) Avaneesh Gupta.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao chuyến thăm của lãnh đạo Tập đoàn Walmart trong thời điểm đặc biệt khi Việt Nam, Hoa Kỳ vừa thiết lập Quan hệ Hợp tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đánh giá cao quy mô hoạt động của Walmart trên thế giới, Phó Thủ tướng cho biết với thế mạnh về nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, sự ổn định chính trị - xã hội, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng tiêu dùng lớn trên thế giới.
Các nhà sản xuất, cung cấp của Việt Nam có tiềm năng, năng lực tiếp cận toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa (nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, tiếp thị…). Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam cùng với những tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Walmart hình thành "hệ sinh thái" đồng bộ, toàn diện, tổng thể, bền vững, cam kết lâu dài trong chia sẻ lợi ích từ chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng.
"Chúng ta cần bảo đảm sự hợp tác của các bên trong hệ sinh thái được rõ ràng, lâu dài; xác định rõ trách nhiệm, công việc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…", Phó Thủ tướng nói và khẳng định với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam tuân thủ đầy đủ những cam kết về lao động, môi trường,…
Trao đổi thêm về sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn, quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên thị trường này.
Thời gian qua, tập đoàn Walmart đã có nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhất là hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng xuất khẩu. Ông Avaneesh Gupta khẳng định, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để Walmart hình thành, vận hành thông suốt các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới như dệt may, hàng tiêu dùng, thực phẩm...
Lãnh đạo Walmart bày tỏ mong muốn được tiếp hỗ trợ cho các nhà sản xuất, cung cấp của Việt Nam trong việc tạo dựng các vùng nguyên, vật liệu trong nước, với chất lượng, giá thành phù hợp, đẩy mạnh số hóa quá trình sản xuất, để nâng cao năng suất, bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa…
Walmart là tập đoàn bán lẻ khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ, với hệ thống phân phối khắp thế giới và được xem là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, Walmart mong muốn kết nối, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia và mạng lưới thương mại điện tử của tập đoàn này với khoảng 120 triệu người dùng.
Sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lãnh đạo Tập đoàn Walmart sẽ đến TP. Hồ Chí Minh từ ngày 13 - 15/9 để tham gia chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Việt Nam International Sourcing 2023.
Việt Nam International Sourcing 2023 do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) và UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7.
Dự kiến, ngày 13/9, ông Avineesh Gupta - Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Walmart, sẽ có bài trình bày về xu hướng tiêu dùng toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Sau phần tham luận của lãnh đạo Walmart, chiều 14/9, các nhà cung ứng Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc với Walmart thông qua hội thảo kết nối với tập đoàn bán lẻ khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ, với hệ thống phân phối khắp thế giới và được xem là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay.
Trước đó, để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện này, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, trong quá trình làm việc với Walmart, phía Walmart cho biết sẽ tập trung tìm kiếm đối tác ở 6 ngành hàng chính.
Cụ thể, 6 lĩnh vực Walmart mong muốn tìm đối tác thông qua chuỗi sự kiện này gồm: Quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng; đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Phía Walmart cũng đưa ra hàng loạt lời khuyên cho doanh nghiệp Việt có mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị của tập đoàn.
Theo đó, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn; giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic; năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.
Những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam của Walmart là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.