Cơ sở pháp lý để giảm phát thải trong chăn nuôi

Cơ sở pháp lý để giảm phát thải trong chăn nuôi
Ngành chăn nuôi đang chủ động xây dựng các cơ sở pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính để phát triển chăn nuôi theo đúng lộ trình và bền vững.

Chăn nuôi là một trong 3 lĩnh vực phát thải khí nhà kính chính của ngành nông nghiệp, bên cạnh sản xuất lúa và quản lý đất và sử dụng phân bón.

Ông Trần Hà Ninh, chuyên viên Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam đến năm 2025 là 34,1 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) và 36,3 triệu tấn vào năm 2030.

Giảm phát thải trong chăn nuôi

Cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho bò thịt là một trong những giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi.

Theo Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan của Việt Nam không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2tđ (giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020), trong đó, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2 tđ. Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ (giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020), trong đó, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2 tđ.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, những mục tiêu giảm phát thải trong chăn nuôi đang đặt ra thách thức lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng cũng tạo ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam nếu nắm bắt kịp thời.

Trước thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn nói trên, ngành chăn nuôi đang xây dựng lộ trình phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải.

Hiện tại, ngành chăn nuôi đang dần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, đồng thời xây dựng quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi.

Trong thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi và Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi.

Việc xây dựng 2 thông tư này nhằm chuẩn bị cơ sở khung pháp lý cho công tác giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, qua đó giúp ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững và đúng lộ trình.

Bà Hoàng Liên Anh, Trưởng Chương trình kiến tạo thị trường - Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), đánh giá, việc xây dựng một quy định mạnh mẽ và hiệu quả về giám sát, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi là hết sức cần thiết.

Giảm phát thải trong chăn nuôi

Các công ty lớn trong ngành chăn nuôi đang chủ động giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ hệ thống. 

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho người chăn nuôi đang rất quan tâm tới giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, nhất là các doanh  nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, đang chủ động thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính trong toàn bộ hệ thống, bởi công bố một số thông tin về môi trường và xã hội trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng tới giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, cần quan tâm tới cả chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm khoảng 50% thị phần chăn nuôi ở Việt Nam. Vì vậy, trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành chăn nuôi, cũng cần giúp những người chăn nuôi nhỏ lẻ có ý thức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, qua đó, góp phần giảm phát thải ngành chăn nuôi.