Công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa
Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời gắn tiêu thụ sản phẩm, 5 tỉnh ở vùng ĐBSCL triển khai công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa.
Long An, Tiến Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là 5 tỉnh tham gia triển khai Dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa do Bộ NN-PTNT phê duyệt, được tiến hành trong ba năm, từ 2019 đến 2021.
Thạc sĩ Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ tư vấn Bến Tre, Chủ nhiệm Dự án cho biết, để có được mô hình này trước hết phải kể đến sự thành công của Viện Nghiên cứu Thuỷ sản 2 trong việc cho ra đời giống tôm càng xanh toàn đực. Kế đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất thích hợp cho con tôm càng xanh sinh sống và phát triển.
Từ khi chưa có con tôm càng xanh toàn đực, bản thân con tôm càng xanh đã phát triển trong điều kiện tự nhiên của vùng châu thổ rộng lớn này và hiển nhiên nó đã trở thành món ăn khoái khẩu trong bữa ăn của cư dân ở đây.
Thạc sĩ Châu Hữu Trị chia sẻ, càng ngày chúng ta, trong đó có người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng cảm nhận sâu sắc sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động như thế nào đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.
Đã có nhiều cuộc hội thảo từ cấp tỉnh đến Trung ương về việc phải làm gì và làm như thế nào để nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng bền vững. Và Dự án trên chỉ là một trong nhiều dự án nông nghiệp mà Bộ NN-PTNT triển khai trong các năm qua. Đến nay dự án đã đi được hai phần ba đoạn đường.
Cũng theo Thạc sĩ Châu Hữu Trị, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những năm tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chuyển thêm 90.000ha đất nông nghiệp bị ngập mặn sang nuôi trồng thuỷ hải sản và đến năm 2020 toàn vùng sẽ có 543.000ha, tăng gần 75.009 ha so với năm 2010 và đến năm 2030 sẽ có 558.000ha.
Tuy nhiên, vì chính sách an ninh lương thực không chỉ cho gần 100 triệu dân số Việt Nam mà còn cả thế giới, bình quân mỗi năm ĐBSCL vẫn phải nhận trọng trách sản xuất đạt 24 triệu tấn lúa, nên việc chuyển đổi đó vẫn phải gắn với mục tiêu an ninh lương thực.
Từ Bến Tre, mô hình công nghệ nuôi tôm, trong đó có tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa đã cho ra đời thương hiệu Lúa sạch Thạnh Phú được gieo trồng ở hai xã An Nhơn và Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
Nuôi tôm trong đó có tôm càng xanh trong ruộng lúa được nhìn nhận là một giải pháp tối ưu. Qua hai năm, với việc tìm ra các giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao như OM4900, OM9921, OM6162, OC10, Đài 28, ST, JR64,… đã mở ra hứa hẹn lớn khi không những năng suất lúa đạt khá từ 4 - 4,5 tấn/ha, giá trị sản phẩm lúa tồm còn được nâng cao. Bởi vì suốt thời gian nuôi tôm xen, bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu mà năng suất tôm cũng đạt khá, bình quân 1ha lúa thu được 1.400 kg tôm. Việc lúa vừa sạch mà tôm lại vừa ngon tự nhiên mang lại rất nhiều lợi ích bền vững.
“Hai năm qua đã có 70 hộ nông dân của 5 tỉnh tham gia vào dự án nuôi tôm toàn đực xen lúa với tổng diện tích đạt gần 80ha. Lợi nhuận thu được của lúa và tôm tăng 30% so với chỉ trồng lúa. Đó là các kết quả rất khả quan khi triển khai dự án. Từ kết quả đó đã mở ra kỳ vọng lan toả của việc đưa đại trà ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng con tôm càng xanh toàn đực trở thành sản xuất tập trung theo chuỗi hàng hoá, không chỉ phục vụ nội địa mà còn chế biến xuất khẩu.” Thạc sĩ Châu Hữu Trị nhấn mạnh.
Cũng từ thành công của Dự án, vừa qua Hội Nông dân tỉnh Bến Tre thông qua lãnh đạo Tỉnh uỷ Bến Tre đã kết nối được hai doanh nghiệp về chung tay với các hộ trong dự án hỗ trợ kinh phí xử lý nước nuôi tôm bằng các chế phẩm sinh học. Ghi nhận từ các ruộng nuôi tôm trong dự án sau khi xử lý, màu nước rất đẹp, tôm phát triển tốt.
Cũng từ Bến Tre, việc nuôi tôm, trong đó có tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa đã cho ra đời thương hiệu Lúa sạch Thạnh Phú được gieo trồng ở hai xã An Nhơn và Mỹ An, huyện Thạnh Phú.